Bộ tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam do Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam xây dựng với sự tham gia đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và báo chí truyền thông. Đây là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia, gồm có 2 phần với 5 điều kiện bắt buộc, 19 tiêu chí cụ thể và 51 chỉ số đánh giá, đo lường.

Khi các doanh nhiệp đáp ứng đầy đủ tiêu chí về văn hóa kinh doanh sẽ được xem xét công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” - hình thức tôn vinh và biểu dương các doanh nghiệp đã thực thi tốt văn hóa kinh doanh, đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, có thành tích xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Là Đại sứ Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm phát triển bộ tiêu chí này. "Từ xưa đến nay chúng ta thấy rằng mỗi doanh nghiệp đều xây dựng những nền tảng văn hóa riêng cho mình. Bây giờ khi có bộ tiêu chí này, bao hàm rất nhiều nội dung, trong đó có cả vấn đề tuân thủ pháp luật, vấn đề ứng xử, vấn đề chiến lược phát triển, vấn đề cống hiến cho xã hội... Đó là điều hết sức cần thiết".

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và hình thành văn hóa trong kinh doanh, tạo nên những thương hiệu Việt Nam mang tầm quốc tế như Vinamilk, TH True Milk, Viettel... Thực tế cho thấy, có sự tương tác mạnh mẽ giữa thương hiệu quốc gia với thương hiệu doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp. Một thương hiệu quốc gia mạnh chỉ có thể hình thành nếu có những thương hiệu doanh nghiệp mạnh. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp, mà còn là tài sản quốc gia. Quốc gia có nhiều thương hiệu uy tín thì thương hiệu quốc gia cũng được nâng tầm trên trường quốc tế.