Đầu tháng 3/2021 tại khu vực di tích Cố đô Hoa Lư, đoàn khai quật do Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học) chủ trì đã mở 5 hố khai quật và 3 hố thăm dò, trên tổng diện tích 300m2. Kết quả đã làm xuất lộ các lớp kiến trúc thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê nằm chồng xếp lên nhau với lớp nền, móng kiến trúc vững chắc, nền đất sét đắp dày trung bình 30cm, gồm đất sét, mảnh gạch, sành thuộc thế kỷ thứ 10 và trước đó.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Ngọc Quý cho rằng với những dấu vết và hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật đã giúp các nhà nghiên cứu lịch sử và công chúng có thể hình dung rõ hơn về kiến trúc giai đoạn lịch sử thời Đại La, nhà Đinh và Tiền Lê.

Không chỉ là hệ thống cọc gỗ vững chắc mà đoàn khảo cổ còn thu thập được nhiều hiện vật như: gạch, ngói, gốm sứ, sành… gồm nhiều niên đại kéo dào từ thời Hán đến thời Đinh - Tiền Lê. Gạch múi bưởi có hoa văn hình thoi kép (ô trám lồng), chữ S… Các lớp ván gỗ dày 2,5 – 3cm gia cố chống lầy thụt. Lớp kiến trúc dày được tạo bởi 3 lớp vữa hồ (gồm sạn sỏi đá ong, vôi…). Các hiện vật này, theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam có giá trị trong việc hé mở phần nào diện mạo kinh thành Hoa Lư ở thế kỷ thứ 10 lịch sử.

"Trong một thời gian ngắn các nhà khảo cổ học đã tìm được các mộ táng, mộ táng là một nét mới ở khu vực này dẫu trước đó đã có dấu tích rồi, nhưng bây giờ tìm thấy một loạt thì tôi cho rằng đó là một thành công để tìm hiểu Hoa Lư trước thế kỉ X - một dấu ấn của Ninh Bình, cũng là dấu ấn của cả dân tộc. Và tại hố số 1 thì có 2-3 lớp chồng xếp lên nhau, có nền, có móng cột là đặc trưng của Hoa Lư".

Kinh thành Hoa Lư thế kỷ thứ 10 hiện diện qua các dòng ghi chép ngắn gọn trong các bộ sử cũ một cách không nhất quán. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi vua Đinh Tiên Hoàng xây thành và dựng cung điện. Vua Lê Đại Hành xây dựng thêm nhiều cung điện quy mô lớn, có cột dát vàng, mái lợp ngói bạc. Vậy mà theo sử liệu từ sứ giả nhà Tống lại cho biết “kinh thành Hoa Lư rất bé nhỏ, ẩm thấp với một vài nếp nhà tranh, lều gỗ”…

Trong lịch sử có nhiều đợt khai quật, nghiên cứu cùng đất kinh kỳ này, đã phần nào minh chứng những điều sứ giả nhà Tống ghi chép là không có cơ sở. Đặc biệt lần nghiên cứu này các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu vết kiến trúc nền móng cung điện xuất lộ trên một không gian rộng, cho phép bước đầu nhận định về quy hoạch chung của kinh thành Hoa Lư xưa.

Công việc khai quật nghiên cứu khảo cổ tại vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư từ đầu công nguyên đến giai đoạn nhà nước Đại Cồ Việt bước đầu đạt được những thành tựu, góp thêm tư liệu đáp ứng công tác tôn tạo, phục hồi và phát huy các giá trị di tích, hướng đến mục tiêu bền vững trong tương lai. Thực tế nghiên cứu còn cho thấy lòng đất cố đô Hoa Lư còn nhiều điều “bí ẩn” cần được khám phá.

Và để có thể giải mã kinh đô Hoa Lư trong lịch sử thì theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có chiến lược dài hơi, bài bản để có thể lan tỏa những giá trị văn hóa lâu đời của vùng đất cố đô Hoa Lư trong khu vực và trên thế giới.

Về phía lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Cao Tấn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho rằng thời gian tới, Sở sẽ kết hợp với những đơn vị liên quan cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để đoàn khảo cổ học tiếp tục khai quật làm rõ quy mô, không gian phân bố, mặt bằng kiến trúc nghiên cứu, đánh giá, làm rõ thời kỳ huy hoàng của kinh đô thời Đại La và thời Đinh - Tiền Lê trên mảnh đất Cố đô Hoa Lư.

Công trình khai quật bước đầu đã đưa đến những nhận thức rõ ràng hơn về lịch sử vùng đất Ninh Bình ở giai đoạn 10 đầu Công nguyên và sự hình thành phát triển của Nhà nước Đại Cồ Việt với trung tâm là kinh đô Hoa Lư. Những tư liệu, sử liệu thu được sẽ góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư và rộng hơn là lịch sử - văn hóa vùng đất Ninh Bình, đang thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế, phát huy tiềm năng du lịch của Khu di tích Cố đô Hoa Lư nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.