Tại Việt Nam, các ngành Công nghiệp Văn hoá và Sáng tạo đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia. Năm 2018, các ngành này đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động. Các ngành Công nghiệp Văn hoá và Sáng tạo cũng được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa trong những năm tới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các ngành này đang gặp phải nhiều thử thách, nút thắt.

Quan niệm khác biệt so với thế giới

Khó khăn đầu tiên trong việc phát triển các ngành Công nghiệp Văn hoá và Sáng tạo ở Việt Nam nằm ở quan niệm của chúng ta đối với lĩnh vực văn hóa. Theo ông Lê Quốc Vinh, Tổng giám đốc Công ty LeBros, một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, nhiều nước quan niệm văn hóa nằm ở mọi chỗ mọi nơi, thì lâu nay ở Việt Nam chỉ xem văn hóa là các hoạt động nghệ thuật biểu diễn. “Văn hóa là tổng thể tất cả các vấn đề trong xã hội, chứ không phải như ở Việt Nam chúng ta hay nghĩ đơn giản văn hóa chỉ là văn hóa văn nghệ - một lĩnh vực rất hẹp, nên mình mới có Bộ Văn hóa", ông Lê Quốc Vinh nói. "Các nước thì không coi như thế, ở ta hơi khác một tí. Bộ Văn hóa lâu nay quản lý về văn hóa văn nghệ chứ không phải lĩnh vực kinh tế. Văn hóa lớn hơn và bao trùm hơn thế rất nhiều, liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của các ngành khác nữa”.

Không chỉ quan niệm khác biệt, bản thân trong nội hàm của văn hóa Việt Nam và văn hóa Á Đông từ xưa đến nay cũng không đánh giá cao tiềm năng kinh tế của lĩnh vực văn hóa. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) phân tích, nước ta nằm trong vùng địa lý chịu sự ảnh hưởng của khu vực Đông Á; quan niệm truyền thống ở khu vực này coi việc sáng tác ra một bài văn, bài thơ hay một bản nhạc là hoạt động tinh thần phi lợi nhuận, mang tính đóng góp trao tặng cho cộng đồng. Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước phương Tây, những nơi từ lâu (khoảng hơn 300 năm qua) coi văn hóa và dịch vụ như là các mặt hàng có giá trị trao đổi, mua bán, được lưu thông trên thị trường, từ đó hình thành những thị trường văn hóa sôi động.

“Việt Nam trước năm 2015 câu chuyện vẫn còn rất ngổn ngang về nhận thức ở các cấp độ khác nhau, từ các cơ quan quản lý đến người sáng tạo cho đến cả những người tiêu dùng", PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ. "Việt Nam về mặt nhận thức chưa coi trọng phát triển Công nghiệp Văn hóa, chưa nhìn nhận ngành này có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, không nghĩ rằng phát triển Công nghiệp Văn hóa chính là giải pháp chuyển hóa được các nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào của người Việt Nam - thông qua khả năng sáng tạo của những người thực hành văn hóa - để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ”.

Khung pháp lý chưa hoàn thiện. Vi phạm bản quyền tràn lan

Chính những nhận thức chưa đầy đủ về các ngành Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo ở mọi cấp, mọi ngành dẫn đến thực trạng là chúng ta chưa có khung pháp lý đầy đủ, chưa hoàn thiện về cơ chế, chính sách để phát triển Công nghiệp Văn hóa, khuyến khích sự phát triển của các ngành sản xuất văn hóa trong bối cảnh mới. Thị trường văn hóa phát triển còn manh mún, tự phát, không chuyên nghiệp; các mô hình thử nghiệm về không gian sáng tạo, kinh doanh khởi nghiệp chưa nhận được sự quan tâm đúng mức; các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực văn hóa chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết của nhà nước trong quá trình phát triển, hầu hết phải tự bơi và “chiến đấu” với những doanh nghiệp văn hóa lớn từ nước ngoài.

161936_41-10-cong_nghiep_van_hoa.jpg

Tiến sỹ Nguyễn Hà, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, người có quá trình tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp văn hóa Việt chia sẻ một thực trạng: “Chúng ta chưa có bất kỳ một văn bản chính sách nào hỗ trợ trực tiếp để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo. Các doanh nghiệp văn hóa chưa nhận được hỗ trợ về thể chế chính sách của nhà nước. Họ đâu có được hỗ trợ giảm thuế phí xuất nhập khẩu nguyên liệu; xuất khẩu các mặt hàng thiết kế họ đâu có được giảm giá...”.

Khung pháp lý chưa đầy đủ dẫn đến một thực trạng nhức nhối là Việt Nam luôn nằm trong top đầu những quốc gia mà tình trạng vi phạm bản quyền xảy ra nghiêm trọng nhất. Vi phạm bản quyền, quyền tác giả xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc, mọi ngành từ âm nhạc, phim ảnh cho đến thiết kế phần mềm, hàng thủ công mỹ nghệ, thời trang, đồ nội thất... Theo Báo cáo nghiên cứu thực thi quyền Sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa sáng tạo Việt Nam, các sản phẩm văn hóa bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất có thể kể đến là: âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình (76,9%), điện ảnh (71,6%); các ngành khác như xuất bản phẩm, chương trình máy tính đều có tỉ lệ trên 50%. Báo cáo trên cũng đưa ra con số, chỉ trong 4 tháng từ tháng 7 đến tháng 10/2022, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã tiến hành thanh tra các chương trình máy tính ở 541 doanh nghiệp, ban hành 499 quyết định xử phạt vi phạm và thu nộp ngân sách 8,6 tỷ đồng. Những con số vừa nêu cho thấy tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam đang diễn ra nghiêm trọng.

vnapotalhanoichuongtrinhaodai-disanvanhoavietnam0734427524829177.jpg

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc công ty An Thuận Media, đơn vị từng nhiều lần bị vi phạm bản quyền format các chương trình nghệ thuật cho biết: “Ở Việt Nam chúng ta đang hơi coi nhẹ những người làm sáng tạo. Tôi không nói riêng một lĩnh vực nào mà ở chung tất cả các lĩnh vực, nhiều sản phẩm sáng tạo của ai đó được thoải mái lấy và sử dụng một cách tự nhiên, không hề lo sợ gì. Ngày xưa, khi chúng tôi gửi một bản đề nghị về ý tưởng chương trình cho khách hàng thì cứ thế đưa, chẳng bao giờ phải suy nghĩ gì! Nhưng bây giờ thì phải đóng logo vào đó để cho thấy đây là sản phẩm của công ty tôi. Bởi vì có những người sau đó lấy luôn bản đó đi thực hiện chương trình, việc đó tôi nghĩ vẫn đang diễn ra hàng ngày”.

Nguồn nhân lực còn yếu

Khó khăn tiếp theo là vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa. Có một thực trạng là, thu nhập cho lao động trong các ngành Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo ở Việt Nam hiện nay chưa cao, do đó rất khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân lực trong ngành này cần đủ mọi loại kỹ năng, nhưng hiện nay đang vừa thiếu vừa yếu.

Chẳng hạn như trong ngành công nghiệp âm nhạc. Nhạc sĩ Quốc Trung nhận xét, ở Việt Nam hiện nay tìm đỏ mắt cũng không ra những nhà quản lý âm nhạc tài năng có thể định hình sự nghiệp cho một ngôi sao: "Một nghệ sĩ khi cần tìm một người quản lý nhưng thật ra là các bạn đang đi tìm những người giúp việc: những người xách quần áo, nhận lịch, book show... chứ không phải là những người có tầm nhìn và kỹ năng xây dựng chiến lược. Rất ít, rất ít các nghệ sỹ Việt Nam đang có được nhà quản lý có tầm! Mà thật ra muốn tìm cũng không tìm thấy. Lý do là yếu kém trong khâu đào tạo, không chỉ là đào tạo về chuyên môn cho nghệ sỹ mà còn cả các kỹ năng khác về quản lý, tạo nên sự hạn chế về hiểu biết ngay cả trong những nghệ sỹ đang hoạt động”.

Nếu muốn phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo, tiến tới xây dựng một ngành kinh tế mũi nhọn cho quốc gia trong tương lai, cần lắm sự chung tay để tháo gỡ những nút thắt vừa nêu.

Mời nghe âm thanh tại đây: