Theo tìm hiểu, bản quyền phát sóng AFF Cup 2020 tại Việt Nam do Next Media sở hữu. Kênh Youtube Next Sports là nơi phát sóng trực tiếp trận Việt Nam - Lào. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chỉ là đơn vị hợp tác phát sóng trận đấu này, vì vậy có thể nói VTV không (hoặc ít có trách nhiệm) liên quan đến sự cố tắt âm thanh Quốc ca.

Thời điểm tắt tiếng Quốc ca Việt Nam, trên màn hình Next Sports chạy dòng chữ với nội dung: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".

Sự cố này là do Next Media tự rút kinh nghiệm. Trước đó, hôm 16/11, kênh YouTube của FPT bị khiếu nại bản quyền Quốc ca Việt Nam từ hãng đĩa Marco Polo khi phát sóng trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Ả-rập Xê-út tại vòng loại World Cup 2022.

Sáng nay, gửi thông tin đến các cơ quan báo chí, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cho biết, họ gửi cho ban tổ chức AFF Cup bản ghi Quốc ca được tải từ Cổng thông tin Chinhphu.vn (hoàn toàn thuộc sở hữu của Chính phủ Việt Nam). Tuy nhiên, một nguồn tin khác thông báo cho VOV2 rằng, thực tế VFF không lấy bản ghi từ Chinhphu.vn mà dùng bản ghi của HG Audio trên Youtube.

chrome-capture-81-1638796651283789033426.gif.png

Theo ông Trần Văn Mạnh, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, từ trước đến nay khi các đội tuyển thể thao nước nhà thi đấu quốc tế, ban tổ chức thường lấy nguồn Quốc ca thông qua cơ quan đại diện Việt Nam tại nước đăng cai giải đấu: "Ban Tổ chức gửi cho Ủy ban Olympic quốc gia Việt Nam, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội đó để nghe và xác nhận lại một lần nữa rồi mới sử dụng. Ban Tổ chức các Đại hội thể thao quốc tế làm việc rất chặt chẽ thông qua con đường ngoại giao và Ủy ban Olympic quốc gia".

Cần khẳng định thêm, riêng vụ việc này thì BH Media - đơn vị đang bị cư dân mạng Việt Nam và nhiều người réo tên và coi như "kẻ tội đồ" - không liên quan.

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nói gì?

"CÁC ĐƠN VỊ SỬ DỤNG BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH CẦN CHÚ Ý TỚI QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN ĐÃ ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ".

Trao đổi với VOV2, GS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay, có nhiều phiên bản Quốc ca được công bố và sử dụng rộng rãi, những bản này không hề vi phạm bản quyền trên môi trường số (đơn cử như bản ghi âm Quốc ca được ca sỹ Tùng Dương thực hiện và công bố trên kênh Youtube Tùng Dương Official hôm 10/10 - PV). Ông Tạ Quang Đông nói: "Các đơn vị sử dụng bản ghi âm, ghi hình cần chú ý tới quyền tác giả và quyền liên quan đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ".

Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV2 về việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có dự định sản xuất một bản ghi âm Quốc ca chính thức, đăng ký bản quyền toàn thế giới rồi cung cấp cho các cơ quan ngoại giao và đoàn công tác quốc tế để sử dụng chính thức hay không, ông Tạ Quang Đông cho rằng, sắp tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể sản xuất thêm nhiều phiên bản và cung cấp cho các cơ quan ngoại giao, các đoàn Việt Nam ra nước ngoài để sử dụng trong các sự kiện chính thức có ghi âm, ghi hình. Bộ cũng sẽ xem xét để đăng ký bản quyền các bản ghi này với Youtube và các nền tảng số khác để sử dụng một cách hợp pháp.

Là đơn vị được Nhà nước giao quản lý tác quyền Quốc ca Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định hãng đĩa Marco Polo chưa hề liên hệ với Bộ để xin phép sử dụng, tổ chức ghi âm bản ghi Quốc ca Việt Nam (nằm trong hệ thống các bản nhạc có tên "National Anthem of the World" (phiên bản 2019) sau đó bán cho Youtube.

Họa sỹ Văn Thao, con trai nhạc sỹ Văn Cao: "Gia đình đã chuyển giao bản quyền Tiến quân ca cho Nhà nước"

Trong cuộc họp do Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam tổ chức, họa sỹ Văn Thao, con trai nhạc sỹ Văn Cao (tác giả bài Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam) cho biết: "Khi bố tôi mất, theo nguyện vọng của cụ gia đình đã chuyển giao toàn bộ bản quyền ca khúc cho Nhà nước Việt Nam. Do đó, bất kỳ sự vi phạm nào thuộc thẩm quyền xử lý của Nhà nước".