Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, các đại biểu cho rằng, đây là một dự thảo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển đất nước.
Theo Đại biểu Quốc hội khóa XV, PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch có nhiều điểm mới, đặc biệt là tăng phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt mà Luật Quy hoạch trước đang phải đối mặt. Tuy nhiên, từ góc độ văn hóa, điểm nổi bật và đáng chú ý nhất của Dự thảo lần này là đã có bước tiến quan trọng trong nhận thức về vai trò của văn hóa trong quy hoạch phát triển.
"Luật không chỉ dừng lại ở việc tổ chức không gian theo kinh tế - kỹ thuật, mà đã bước đầu xác lập rõ rằng: quy hoạch cũng là tổ chức không gian văn hóa, tổ chức ký ức và bản sắc của cộng đồng. Điều này được thể hiện ở việc lần đầu tiên, thiết chế văn hóa, du lịch, thể thao được coi là một phần không thể tách rời của hạ tầng xã hội trong quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, luật cũng quy định rõ trách nhiệm tham gia của các ngành, giới chuyên môn – bao gồm cả văn hóa trong quy trình xây dựng và thẩm định quy hoạch".

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc mở rộng cơ chế tham vấn xã hội, lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức nghề nghiệp là một bước tiến hết sức tích cực. Văn hóa vốn là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cộng đồng, đến lịch sử, ký ức, tâm hồn của con người. Việc mở rộng cơ chế tham vấn cho phép các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, tổ chức di sản, cộng đồng địa phương… được tham gia vào tiến trình quy hoạch sẽ giúp quy hoạch không chỉ đúng pháp luật mà còn giàu tính nhân văn. Đây cũng là cách để huy động trí tuệ xã hội và tinh thần dân chủ, đưa văn hóa trở về đúng vị thế là nền tảng tinh thần của phát triển.
"Bên cạnh đó, khi văn hóa được quy hoạch như một lĩnh vực độc lập, với hệ tiêu chí, chỉ số cụ thể, địa phương sẽ có căn cứ rõ ràng để xây dựng quy hoạch thiết chế văn hóa, không gian sáng tạo, bảo tồn di sản, lễ hội, du lịch… Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các tỉnh có tiềm năng di sản, văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống… Vì nếu không có quy hoạch bài bản, các giá trị này có thể bị mai một hoặc phát triển lệch hướng theo thương mại hóa", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
"Quy hoạch nào dù là kiến trúc hay phát triển kinh tế xã hội thì yếu tố văn hóa phải được quan tâm hàng đầu. Giá trị văn hóa thường gắn liền với không gian đất đai, không gian sống của con người… trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, do đó quy hoạch phải đặc biệt quan tâm đến yếu tố văn hóa thì mới phát triển bền vững được".
TS Nguyễn Viết Chức.
Tại Điều 27 về nội dung quy hoạch tỉnh, dự thảo Luật đã lần đầu tiên đưa thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch vào phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội. Điều này hoàn toàn phù hợp và là bước hiện thực hóa tinh thần trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII đã nhấn mạnh: “Phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Trước đây, khi xây dựng đô thị mới, chúng ta quan tâm đến trường học, bệnh viện, đường sá... mà chưa coi trọng thiết chế văn hóa. Nay, việc luật hóa nội dung này giúp đảm bảo mọi khu dân cư, khu công nghiệp, khu đô thị đều có không gian văn hóa phục vụ đời sống tinh thần nhân dân.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong giai đoạn hiện nay khi nhiều địa phương đang thực hiện tái cấu trúc hành chính, việc bảo đảm tính kế thừa và không làm gián đoạn các quy hoạch văn hóa trước đây là một vấn đề lớn cần quan tâm để vẫn giữ gìn bản sắc, tên gọi, ký ức văn hóa của cộng đồng, tránh tình trạng "phá vỡ" vùng văn hóa truyền thống do xáo trộn địa giới.
"Chúng ta cần kế thừa các quy hoạch văn hóa cũ, đồng thời cập nhật những giá trị mới. Tên làng, tên xã, các lễ hội truyền thống, không gian sinh hoạt cộng đồng… cần được bảo vệ, gìn giữ như một phần không thể tách rời của quy hoạch mới. Không thể “xóa sạch để làm lại từ đầu” – vì văn hóa là sự kế thừa, không phải là thứ có thể “sáng tạo lại” trong ngày một ngày hai".
"Hãy xem văn hóa là một trục cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Quy hoạch quốc gia, vùng miền, đô thị, nông thôn, biên giới, hải đảo... thì phải lồng ghép cả quy hoạch văn hóa, cả hạ tầng cơ sở và kiến trúc thượng tầng. Hạ tầng cơ sở là thiết chế văn hóa và phải đủ mạnh, đúng, phù hợp từng vùng miền, từng dân tộc. Phải có con người, nguồn lực để đưa vào làm cho không gian văn hóa sống, không gian quy hoạch sống, mở rộng quy hoạch, linh hoạt thì lúc đó kiến trúc thượng tầng văn hóa sẽ thích ứng, tạo sức bật kịp thời và tương xứng với cơ sở hạ tầng đã được đầu tư".
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế.
Việc đặt yếu tố văn hóa trong Quy hoạch tổng thể quốc gia là hết sức cần thiết. Kỳ vọng khi thực hiện quy hoạch đặc biệt quan trọng này, giá trị văn hóa sẽ góp phần phát huy tối đa lợi thế vùng, miền, giúp đem lại cho quy hoạch một tầm nhìn dài hạn, tổng thể và thực sự hiệu quả.