Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đang hoàn thiện dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, trong bối cảnh thời gian gần đây, giới showbiz Việt xảy ra quá nhiều sự việc lùm xùm, từ việc nghệ sĩ thiếu minh bạch khi làm từ thiện cho đến những phát ngôn, ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu văn hoá, quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm…

NSND Hồng Ngát, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam đồng tình với việc triển khai thực hiện bộ quy tắc này: “Tôi nghĩ, nghệ sĩ cũng là một nghề. Hơn nữa, cá nhân tôi nghĩ dù là nghệ sĩ hay không, trước hết họ là công dân và công dân thì có những quyền lợi và nghĩa vụ nhất định. Là nghệ sĩ, người của công chúng, muốn được công chúng mến mộ thì nên ứng xử, phát ngôn, ăn mặc theo những chuẩn mực nhất định, nghĩa là phải có văn hóa, phải giữ gìn hình ảnh trước công chúng, không thể vì mình hát hay, vì mình giỏi mà tự cho phép mình thiếu chuẩn mực được…”.

Là một nghệ sĩ tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện, ca sỹ, diễn viên trẻ Duy Khoa cho biết, anh rất hoan nghênh việc ban hành bộ quy tắc ứng xử này và cũng tin rằng đây là điều mà nhiều nghệ sĩ chân chính mong mỏi. Duy Khoa quan niệm, nghệ sĩ cũng là một công dân bình thường, nhưng khác ở chỗ, nghệ sĩ được nhiều người biết đến, công chúng và xã hội luôn nhìn vào họ. Nói cách khác, nghệ sĩ có những ảnh hưởng rộng rãi nên cần phải chuẩn mực trong mọi ứng xử, hành xử. Khi đã mang danh xưng là nghệ sĩ thì không thể hành động tùy tiện.

Duy Khoa cũng rất kỳ vọng rằng, Bộ quy tắc ứng xử sẽ hỗ trợ và giúp cho các nghệ sĩ hiểu rõ vai trò trách nhiệm của mình và ứng xử có văn hóa hơn, dù con đường đến đích chắc chắn không dễ dàng: “Duy Khoa nghĩ rằng chúng ta cần nhiều tháng nhiều năm kiên trì để thay đổi nhận thức của tất cả mọi người. Nhưng chúng ta vẫn phải bắt tay vào làm để vài năm nữa, chúng ta có được một môi trường văn minh hơn. Đã là con người thì ai cũng sẽ có lúc mắc sai lầm, quan trọng là chúng ta nhận ra cái sai để sửa đổi. Là nghệ sĩ trước hết phải làm tốt nhiệm vụ của mình là đem nghệ thuật, cảm xúc tích cực đến cho công chúng, sau đó mới đến những nhiệm vụ khác” - Nghệ sĩ Duy Khoa nói.

Về quy tắc ứng xử, trong dự thảo quy định nghệ sĩ phải tuân thủ quy định của pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Hành vi ứng xử từ lời nói, hình ảnh, trang phục đến lối sống… phù hợp với các giá trị đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đề cao trách nhiệm cá nhân, cẩn trọng, bình tĩnh tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin văn minh, hiệu quả. Đối với khán giả, công chúng, nghệ sĩ phải tôn trọng, lắng nghe nhằm hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Trung thực, không lợi dụng sự nổi tiếng, danh xưng nghệ sĩ để trục lợi cá nhân.

Cũng có những ý kiến cho rằng, bộ quy tắc ứng xử này chưa đủ mạnh để chấn chỉnh hay dẹp bỏ mọi tranh cãi trước những lùm xùm vừa qua, tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội thì cho rằng, chúng ta cần phải nhìn nhiều chiều.

Bộ quy tắc ứng xử này không mang tính chế tài, chế tài thì chứa đựng ở những văn bản khác như là các thông tư, các nghị định. Thực tế chúng ta đã có những thông tư nghị định này rồi. Với bộ quy tắc này chúng ta sẽ thấy có một tác động là thay đổi hành vi bằng cách tăng cường nhận thức. Vì thế cái cần tác động chính là vào nhận thức. Nó sẽ hình thành nên 1 kênh, ủng hộ cái tốt, cái tích cực, lên án cái xấu. Từ đó giúp cho các nghệ sĩ nhìn nhận và điều chỉnh để xây dựng những hình ảnh tốt từ bộ quy tắc này”.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Bộ quy tắc đang được soạn thảo giống như một kênh để định hướng hành vi cho nghệ sĩ. Những gì chưa tốt cần phải lên án, bởi nghệ sĩ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng, có thể tác động tiêu cực đến công chúng, nhất là đối tượng khán giả trẻ. Ông nhấn mạnh rằng, nghệ sĩ ứng xử lệch chuẩn xuất phát từ nhiều lý do. Một trong số đó là họ nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với công chúng, về việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, uy tín cá nhân trong bối cảnh mới. Đôi khi, nghệ sĩ cũng nhầm lẫn giữa vai trò của một nghệ sĩ và người sử dụng mạng xã hội thông thường. Do đó, dù bộ quy tắc ứng xử không có chế tài, mà chỉ mang tính hướng dẫn hành vi, nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành là cần thiết. Còn tất nhiên, để bộ quy tắc thực sự thực thi trong đời sống cần phải tiến hành nhiều việc song song, từ cả phía các cơ quan quản lý văn hóa cho đến cộng đồng xã hội và các nghệ sĩ.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thì cho rằng, trước khi ban hành quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ thì cần phải có định nghĩa rõ ràng về danh xưng "nghệ sĩ". Nên chăng, chúng ta xây dựng quy tắc ứng xử dành cho người nổi tiếng, tức là bất kể ai được công chúng biết đến rộng rãi chứ không riêng gì nghệ sĩ? Hơn nữa, bộ quy tắc phải có những quy định rõ ràng định nghĩa thế nào là "trái với thuần phong mỹ tục", "phản cảm", "đi ngược với truyền thống"... để người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hiểu rõ để tuân thủ, hay người thực thi áp dụng có thể làm chính xác không mang tính chất chủ quan, cảm tính, đưa ra những "xử phạt" không hợp lý hay gây tranh cãi.

Dù còn nhiều ý kiến luận bàn, dù con đường đến đích là xây dựng một môi trường văn hóa nghệ thuật lành mạnh không hạt sạn chắc chắn không dễ dàng, nhưng nhìn nhận một cách thắng thắn vào thực trạng hoạt động của giới nghệ sĩ hiện nay, đã đến lúc cần có một bộ quy tắc ứng xử, để thanh lọc những tiêu cực.

Vấn đề quan trọng còn lại sẽ là làm thế nào để xây dựng được bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ mang tính định hướng, quy chuẩn, tính khả thi cao, góp phần tạo cảm hứng để những nghệ sĩ chân chính yên tâm cống hiến cho nghệ thuật.

Mời nghe âm thanh tại đây: