Dòng chảy của nghệ thuật đương đại qua những thành phố lớn trên thế giới đã làm nên những trào lưu trở thành thương hiệu của giới trẻ sáng tạo, như văn hoá “Grafiti” là dấu ấn của một NewYork tự do hay xu hướng “Manga” gắn liền với phim hoạt hình truyện tranh, mở ra nền hội hoạ mới cho Nhật Bản. Đó là những tác động đóng góp của nghệ thuật trong dòng chảy đương đại, góp phần kiến tạo nên cuộc sống thời kì chúng ta, để lại di sản cho thế hệ mai sau.

Nếu như ở Châu Âu và Mỹ được xem là những khu vực sáng tạo truyền thống, có nhiều ảnh hưởng góp phần định hình nghệ thuật thế giới trước kia, thì từ đầu thế kỉ 21, Châu Á với những trung tâm sáng tạo mới, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang ngày càng có những đóng góp quan trọng trong dòng chảy nghệ thuật đương đại.

Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá Châu Á là tương lai của nghệ thuật thế giới, trong đó khu vực ASEAN với đặc điểm dân số trẻ nổi lên như một trụ cột mới của ngành văn hoá sáng tạo nghệ thuật Châu Á. Còn tại Việt Nam, nhìn từ một loạt các cuộc Triển lãm gần đây cho thấy, giới trẻ ngày càng có xu hướng quan tâm đến nghệ thuật đương đại.

Một bạn trẻ tên Thái Bá An nói: “Mình thấy xem tranh giúp mình tư duy sáng tạo hơn. Với mình, xem tranh không chỉ là xem cho vui mà còn giúp nhận về những bài học cuộc sống quý giá”.

Còn với Trần Quang Minh, sinh viên tại một trường nghệ thuật thì, xem tranh cũng là một cách để Minh khơi nguồn cảm hứng, từ đó có những sáng tạo riêng cho các tác phẩm của mình: “Nhìn cách vẽ của người khác để lấy cảm hứng cho mình, điều đó quả thật vô cùng ý nghĩa”.

Đây có thể được coi là tín hiệu đáng mừng khi ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến với nghệ thuật. Chính sự rung cảm trước tinh hoa văn hóa dân tộc, những người trẻ đã sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mới để đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Bạn Lương Văn Quang, sinh viên trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội cho rằng: việc quan tâm đến nghệ thuật là cần thiết với người trẻ, dù ở bất cứ ngành nghề nào: "Cá nhân mình khi đi xem các buổi triển lãm nghệ thuật hay hòa nhạc thì mình thấy rất ấn tượng, nó tạo cảm hứng cho mình để trong cuộc sống có thể sáng tạo và phát triển hơn”.

Không quan trọng bạn học ngành nghề nào, bạn làm công việc gì, mà chỉ cần bạn có sự đam mê với nghệ thuật, thì đó chính là lý do cho những chuyến đi của bạn. Còn hiển nhiên với những bạn đang theo học nghệ thuật thì việc tìm hiểu, dành sự quan tâm đến nghệ thuật càng quan trọng. Hiện nay, với hội họa, có rất nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ không cảm thấy thỏa mãn khi bị bó hẹp trong mặt phẳng toan vẽ, họ liên tục tìm kiếm những phương tiện biểu đạt mới như: sắp đặt, đồ họa hay graffiti… đó là nơi giải phóng cảm xúc, tư duy và trên hết là sự sáng tạo không có giới hạn, khi ngôn ngữ nghệ thuật được đưa ra ngoài không gian của cuộc sống thực.

Có thể thấy, hiện nay vẫn có không ít người trẻ, nghệ sĩ trẻ tìm về với văn hóa nghệ thuật theo cách riêng của mình. Nghệ thuật theo lăng kính của người trẻ đã thật sự gợi mở, là sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.

Biết trân trọng quá khứ, hiện tại để phát triển trong tương lai. Làm thế nào để yêu văn hoá, yêu nghệ thuật - chỉ có người trẻ mới hiểu và cần phải biết sàng lọc.