Cuối tháng 7 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ngắn ghi lại cảnh nhóm du khách chơi team building trên bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), trong đó có những hình ảnh phản cảm khi nhiều chị em bất chấp “cởi áo để ghi điểm”. Mới đây nhất, mạng xã hội lại tiếp tục lan truyền một clip ngắn ghi lại cảnh một nhóm nữ du khách “thả rông” chơi team building trên bãi biển thuộc tỉnh Quảng Ninh. (Clip này sau đó được xác định đã diễn ra từ hồi tháng 7 năm ngoái). Những trò chơi team building phản cảm diễn ra nơi công cộng, trước sự chứng kiến của nhiều người đã khiến không ít người bức xúc, gây nên những phản ứng tiêu cực trong xã hội.

Thực tế đây không phải lần đầu xuất hiện những hoạt động team building gây xôn xao như vậy. Trước đó cũng có những trò chơi thiếu lành mạnh, mang tính dung tục đã bị dư luận lên án. Như trò ăn trái cấm – người nữ treo quả táo ở trước ngực và người nam ăn hết táo mà không dùng tay, hay trò hít đất đôi – người nam thực hiện động tác hít đất trên người chơi nữ.

Theo chuyên gia xã hội học Phạm Mạnh Hà, nguyên nhân khiến cho những trò chơi phản cảm như này vẫn tồn tại và ngày càng nở rộ là một phần là hậu quả của việc chưa thực sự quan tâm, hay nói cách khác là còn coi nhẹ giáo dục về giá trị, giáo dục về thẩm mỹ đạo đức.

Một phần khác là do hiện nay chưa có sự quản lý gắt gao cũng như chưa có sự kiểm duyệt rõ ràng nên nhiều trò chơi đã bị các đơn vị tổ chức cố tình biến tướng và lệch lạc so với mục tiêu ban đầu. Từ đó dẫn đến những sự việc phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Tuy nhiên, để có được những giải pháp căn cơ ngăn chặn team building phản cảm không dễ dàng. Các chuyên gia khẳng định cần có giải pháp tổng thể, trong đó cần tăng nặng cơ chế xử phạt với ban tổ chức sự kiện phản cảm, đồng thời phải hướng dẫn giáo dục các giá trị đạo đức, xã hội đối với giới trẻ để họ ko a dua “cái xấu”.

"Cùng với đó, các đơn vị tổ chức cũng cần phải được đào tạo một cách bài bản, để từ đó xây dựng một chương trình team building chuẩn, có kịch bản rõ ràng, các trò chơi đều được xây dựng chi tiết chứ không phải phụ thuộc vào độ cao hứng của người quản trò rồi tạo nên những hình ảnh không mấy hay ho", chuyên gia xã hội học Phạm Mạnh Hà nhận định.

Rõ ràng mục đích của team building là giúp cho mọi người gần nhau hơn. Thế nhưng, rất nhiều đơn vị tổ chức đã biến tướng hoạt động này thành những trò chơi khiến người xem, người chơi ngượng ngùng, “đỏ mặt” vì xấu hổ khi những động tác đều liên tưởng đến những việc dung tục.

Đã đến lúc chúng ta cần lên án mạnh mẽ và xử lý thật nghiêm những hành vi gây phản cảm và ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, nếu không, hệ lụy sẽ khôn lường.

Mời nghe âm thanh tại đây: