Độc lập, Tự do và ổn định là mong muốn của mọi quốc gia, dân tộc. Trải qua những đau thương, mất mát từ các cuộc chiến tranh, người Việt Nam hơn ai hết, thấu hiểu giá trị của độc lập và tự do. Độc lập, tự do không phải là tự nhiên, cũng không phải vay mượn mà có, mà nó là khát vọng ngàn đời và qua đấu tranh gian khổ để đạt được.

TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phân tích: Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh cực kì ngắn gọn, bên cạnh việc tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào, với bạn bè quốc tế về sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì cái quan trọng nhất trong tuyên ngôn đó Bác khẳng định quyền làm người, quyền dân chủ tự do của mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời Bác gửi một thông điệp là nhân dân Việt Nam trải qua bao đấu tranh gian khổ mới giành được quyền đó, và sẽ quyết tâm, bằng mọi giá giữ vững và bảo vệ quyền độc lập, tự do, dân chủ đã giành được.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn của cả dân tộc, giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong đấu tranh thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Không những thế, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mang giá trị lý luận và thực tiễn, có sức sống mạnh mẽ trong thời đại ngày nay, nhất là về vấn đề quyền dân tộc và quyền con người. Bản Tuyên ngôn đã kết hợp 2 loại quyền rất cơ bản đó là quyền độc lập của dân tộc và quyền tự do của con người để trở thành một quyền cơ bản, đó là độc lập dân tộc, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

"Câu chuyện đó Bác nói từ năm 1945 nhưng 15 năm sau tức là tháng 12/1960 thì LHQ mới đưa ra được nghị quyết Trao trả độc lập cho các dân tộc và đến tháng 12/1970 thì LHQ lại tiếp tục có Nghị quyết khẳng định phải thực thi quyền đó" - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.

Có thể thấy, không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên Độc lập, Tự do, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam. Kể từ năm 1945 đến nay, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay, nhưng với tầm nhìn chiến lược sâu sắc và với một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta ai cũng được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, bản Tuyên ngôn Độc lập chứa đựng một tầm cao về khát vọng giải phóng con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt lên mọi thời đại.

Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi là áng hùng văn bất hủ. Những tinh túy trong Tuyên ngôn Độc lập về độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân là kim chỉ nam để chúng ta đoàn kết, nỗ lực xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, bước tiếp và làm phong phú thêm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Mời nghe âm thanh tại đây: