Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những điểm du lịch quan trọng của Thủ đô, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng và các di tích, danh thắng nói chung đang phải đối mặt với nhiều tác động và thách thức. Do đó, Hội thảo lần này nhằm cập nhật các quan điểm, sự chuyển đổi phương pháp và cách tiếp cận giải pháp công nghệ cũng như xu hướng mới để hoạt động của di tích trở nên hiệu quả, phù hợp hơn, vì sự phát triển bền vững trong tương lai.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào bảo tồn, phát huy giá trị di tích sẽ tạo ra một kho dữ liệu giúp lưu trữ một cách lâu dài những hình ảnh, thông tin về toàn bộ di tích, từ những kiến trúc, trang trí, hệ thống bia đá… cho đến những nội dung về truyền thống khoa cử, truyền thống hiếu học hay thân thế, sự nghiệp của những vị đại khoa… Đây là việc làm cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa một cách bền vững, khoa học và hiệu quả.

"Thông qua việc số hóa, công nghệ về lưu trữ cùng với các phần mềm tái hiện đa phương tiện, công chúng sẽ được tiếp cận, khai thác và tương tác mà không làm tổn hại đến di sản, di tích. Số hóa cũng phù hợp với cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa của công chúng trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời gắn với nhiệm vụ xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô", TS Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Đặc biệt, đại biểu tham dự Hội thảo được trải nghiệm các sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại đã, đang và hướng tới được thực hiện tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gồm 9 nội dung: Hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; Ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác QR Code); Hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI; Ứng dụng tham quan ảo 3D Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên Internet; Trải nghiệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ thực tế ảo VR 360; Trải nghiệm tương tác 3D di sản tiêu biểu - Bia Tiến sĩ; Tái hiện không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời Lê bằng công nghệ thực tế ảo 3D; Chương trình “Đạo học Việt Nam” và Online Tour trực tuyến Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ 3D và trải nghiệm Không gian nghệ thuật & 3D Mapping tại sân Thái Học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định, nếu biết vận dụng công nghệ số, giáo dục di sản sẽ đạt hiệu quả cao hơn. "Công nghệ số tạo ra sản phẩm hiện thực ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, thu thập kiến thức. Để làm được điều này, các cơ quan cần chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0”.

Theo ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc sản phẩm công ty du lịch Mai Việt, hiện nay công nghệ 3D Mapping đang ngày càng phổ biến. Công nghệ này cho phép dựng mô hình có tỷ lệ và kích thước tương đương với sản phẩm thật, sau đó thông qua trình chiếu dưới dạng 3D. Ứng dụng này rất thích hợp nếu triển khai tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi tổ chức các tour tham quan, du lịch đêm. Tuy nhiên, theo ông Tráng: "Văn Miếu - Quốc Tử Giám nên bổ sung thông tin về Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi đào tạo nhân tài cho đất nước bởi có quá ít thông tin để chúng tôi giới thiệu tới du khách về tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt".

Tại hội thảo, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đã giới thiệu một màn trình diễn công nghệ 3D Mapping tại sân Nhà Thái học để các chuyên gia, học giả có thể tham khảo, góp ý nhằm hoàn thiện sản phẩm trong tương lai để phục vụ du khách.

Một số hình ảnh Không gian nghệ thuật và 3D Mapping tại sân Nhà Thái học: