Hội thảo "Văn hóa doanh nghiệp - Điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch" được tổ chức nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và chủ đề công tác năm 2022 của Bộ VHTTDL: Năm xây dựng văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ; đồng thời lan tỏa mạnh mẽ thông điệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong toàn xã hội.

Những năm qua, việc xây dựng, quản lý và phát huy văn hóa doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm, coi trọng của Đảng và Nhà nước, đã đạt được những kết quả tích cực, tạo sức cộng hưởng, niềm tin giữa doanh nghiệp với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề. Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn cần có những giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế.

Tới dự, chỉ đạo và chủ trì Hội thảo, TS Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL khẳng định sự cần thiết phải nhận diện rõ thực trạng cũng như hiệu quả của xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay trong phát triển bền vững đất nước; đúc rút những bài học kinh nghiệm về mô hình, cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững; từ đó, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch.

"Tôi tin tưởng và hy vọng Hội thảo sẽ đạt được mục tiêu đề ra, góp phần tích cực xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nỗ lực cùng hướng đến mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới", TS Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Các ý kiến phát biểu, trao đổi tại Hội thảo cũng đã đi sâu đánh giá, phân tích vai trò và đóng góp quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, khẳng định phát huy văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh, tình hình mới.

Các nhà khoa học, cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, hiệp hội, doanh nghiệp đã chia sẻ về thực trạng xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay (những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân). Từ đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.