Nghiêm Phụ sinh năm Canh Ngọ đời vua Lê Nhân Tông niên hiệu Thái Hòa thứ 8 tức năm 1450, tên tự là An Bảo, thụy là Mai Hiên. Ông người xã Lan Độ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, nay là làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Theo sử cũ ghi chép, Quan Độ là một vùng quê “địa linh nhân kiệt”, gần với các địa danh gắn với những sự kiện trọng đại của dân tộc, nhất là thời nhà nước Âu Lạc xưa kia như sông Ngũ Huyện Khê, Làng Me tức Hương Mạc xưa. Đây là một vùng quê khá đặc biệt, từ xưa kia đã không chỉ là một làng thuần nông mà còn đa canh, đa nghề, được mệnh danh là Kẻ Đọ. Nơi địa linh ấy đã sinh ra những nhân kiệt, đặc biệt là dòng họ Nghiêm đã có 10 danh tướng và 2 tiến sĩ.

Không chỉ may mắn sinh ra ở một vùng địa linh, Nghiêm Phụ còn được xuất thân từ một gia đình danh giá, cha ông là cử nhân Nghiêm Lý, thụy là Chân Hòa, là quan Tri huyện. Nghiêm Phụ cũng là hậu duệ của dòng họ có truyền thống vẻ vang, gắn liền với lịch sử nhà Trần và đặc biệt là thời nhà Lý với 10 đời liên tiếp là các vị đại quan trong triều, tức là “Thập đại liên dăng quan triều”. Họ Nghiêm Quan Độ đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và ổn định đất nước của nhà Lý, giúp nhà Trần chống giặc ngoại xâm, thật xứng đáng là một dòng họ văn – võ kiêm toàn….

Là thành viên trong “danh gia vọng tộc” ngay từ nhỏ Nghiêm Phụ đã được theo học tại trường Thái học sinh. Năm 24 tuổi, Nghiêm Phụ dự khoa thi Hương và đỗ Tứ trường (năm 1473). Năm 28 tuổi, khoa thi Hương năm Đinh Dậu thời Hồng Đức năm thứ 8 (1477), ông đỗ Nho sinh Trúng thức. Năm 29 tuổi, khoa thi Hội năm Mậu Tuất thời Hồng Đức năm thứ 9 (1478), ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Theo Tiến sĩ Đặng Kim Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hoá- Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám cho biết trong sách “Đại Việt Sử ký Toàn thư”, kỳ thi này có 50 người trong cả nước đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, trong đó Nghiêm Phụ đứng thứ 10.

Tiếc rằng, nguồn tư liệu ghi chép về sự nghiệp của Tiến sĩ Nghiêm Phụ sau khi đỗ đạt rất ít. Tuy nhiên, theo tài liệu nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi, Viện Sử học Việt Nam trong sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” có ghi Nghiêm Phụ đảm nhận chức quan Thừa chánh sứ. Còn trong sách “Nghiêm tính gia kê”, cuốn gia phả có niên đại sớm nhất của Việt Nam do Nghiêm Ích Khiêm, em họ của Nghiêm Phụ chép lại thì sau khi đỗ đạt, Nghiêm Phụ được triều đình bổ nhiệm làm quan đến chức Tham chính, Gia hạnh đại phu Nghệ An đạo Tán trị Thừa Tuyên sứ. Đây là chức quan khá quan trọng thời bấy giờ.

“Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” những người được nhà vua đề ra thể lệ tuyển cử quan chức ở ty Thừa chính là những người có tài, có kiến thức và đức vọng. Theo đó có thể thấy, để bổ dụng Nghiêm Phụ vào chức quan ấy, chắc chắn ông phải là người vừa có tài, đức vừa có kiến thức sâu rộng mới đảm đương được trọng trách của triều đình giao phó” - PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia sử học, việc đỗ đạt của Tiến sĩ Nghiêm Phụ không chỉ đánh dấu sự kiện quan trọng đối với dòng họ mà còn có sức ảnh hưởng lớn đến truyền thống khoa bảng của dòng họ Nghiêm ở Quan Độ sau này. Bởi trước ông trong dòng họ đã nhiều người làm quan nhưng đều đảm nhận chức quan bên ngạch võ. Đến đời Nghiêm Phụ thì họ Nghiêm Quan Độ mới bắt đầu có nhà khoa bảng lớn, mở ra truyền thống khoa bảng hiển đạt, tiếp theo ông, dòng họ Nghiêm có Nghiêm Ích Khiêm (1459-1499) đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (tức năm 1490), giữ chức Đại tín phu, Cẩm y vệ Đoán sự ty đoán sự, Đô chỉ huy sứ, Trực kim quang điện.

Từ các nguồn sử liệu ít ỏi, tuy không ghi cụ thể Tiến sĩ Nghiêm Phụ giữ những chức quan gì, nhưng theo ghi trong “Nghiêm tính gia kê”, Nghiêm Phụ sau khi đỗ đạt đã được triều đình nhà Lê trao giữ chức Nghệ An tán trị Thừa Tuyên sứ. Tham chiếu từ những quy định của nhà Lê, các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một chức quan khá quan trọng, ít nhất ông cũng nhận chức Tri huyện trở lên. Cũng tham chiếu theo quy định của nhà Lê có thể thấy, để bổ dụng Nghiêm Phụ vào Ty Thừa Chính sứ, chắc chắn ông phải là người vừa có tài, có đức vừa có kiến thức sâu rộng mới được đảm đương trọng trách của triều đình.

Nghiêm Phụ trị nhậm ở Nghệ An 36 năm, khi những thập niên cuối thế kỷ 15 gặp nhiều khó khăn, an ninh trật tự phức tạp. Đầu thế kỷ 16, triều Lê ngày càng rơi vào tình trạng khủng hoảng. Trên phạm vi cả nước nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân bùng nổ, trong đó có cuộc nổi dậy do Lê Hy và Trịnh Hưng lãnh đạo nổ ra trên đất Nghệ An. Có lẽ do tình hình xã hội nhiều phức tạp, lại tuổi cao sức yếu nên Tiến sĩ Nghiêm Phụ đã rời Nghệ An trở về quê nhà. Cuốn “Nghiêm tính gia kê” cũng chỉ cho biết rằng, đến khi tuổi cao ông trở về quê nhà Quan Độ và qua đời năm 1514, thọ 64 tuổi. Ông được mộ táng tại tộc điền thuộc làng Quan Độ, được họ tộc và nhân dân thờ kính. Tại quê hương Quan Độ ngày nay ngôi từ đường và đền thờ các danh nhân họ Nghiêm đều đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Sự nghiệp quan trường của Tiến sĩ Nghiêm Phụ trải dài hơn 30 năm nhưng rất tiếc sử sách không ghi chép nhiều tư liệu về ông. Tuy nhiên, đối với dòng họ Nghiêm ở Quan Độ sự đỗ đạt của ông lại có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho truyền thống khoa bảng của dòng họ và cũng là một sự chuyển hướng với những đóng góp to lớn từ nghiệp võ sang nghiệp văn, mà tiêu biểu là em họ ông Hoàng Giáp Nghiêm Ích Khiêm với những trước tác là nguồn tư liệu quý cho hậu thế. Đặc biệt là cuốn gia phả “Nghiêm tính gia kê” có niên đại khá sớm trong lịch sử gia phả Việt Nam.

Mời nghe âm thanh tại đây: