Victor Vũ là một trong những đạo diễn tài năng bậc nhất Việt Nam hiện nay. Anh làm việc với năng suất cực cao. Tính từ “Chuyện tình xa xứ” – phim đầu tiên Victor Vũ thực hiện khi trở về Việt Nam, ra mắt năm 2009, trong vòng 13 năm đạo diễn Việt kiều này sản xuất tới 14 phim. Cá biệt, chỉ riêng trong năm 2014 có tới 3 phim của Victor Vũ được ra mắt là “Cô dâu đại chiến 2”, “Quả tim máu” và “Scandall: Hào quang trở lại”.

Các phim của Victor Vũ có chất lượng khá đồng đều, hình ảnh trau chuốt và “nịnh mắt”, tất nhiên vẫn có phim hay phim dở nhưng không phim nào ở mức “thảm họa”. Các đề tài anh khai thác cũng khá đa dạng, từ câu chuyện tình yêu trong bối cảnh làng quê yên bình, cho đến những góc khuất showbiz, án mạng hình sự, hay cả đề tài siêu anh hùng (khá khó làm trong bối cảnh Việt Nam)…

Bộ phim “Thiên thần hộ mệnh”, tác phẩm mới nhất của Victor Vũ ra mắt cuối tháng 4 vừa qua đang trên đà đạt doanh thu khả quan (đã thu khoảng 35 tỷ đồng) thì sự trở lại của dịch bệnh Covid khiến các rạp chiếu Việt Nam phải đóng cửa. Tuy vậy, đây lại là cơ hội để chúng ta cùng ngồi lại, lắng nghe Victor Vũ chia sẻ về quan điểm làm nghề, những trăn trở, ấp ủ và đam mê của anh với điện ảnh nước nhà.

PV: Xin chào đạo diễn Victor Vũ. Có lẽ trước hết chúng ta nói một chút về “Thiên thần hộ mệnh”, phim mới nhất của anh. Đây không phải bộ phim đầu tiên anh làm về đề tài khai thác những góc khuất của showbiz, cùng với đó là những yếu tố tâm linh, bùa ngải. Vậy bộ phim này có gì khác so với những tác phẩm trước đó?

Victor Vũ: Thật ra tôi nghĩ câu chuyện lần này của mình sẽ đời hơn và sát thực tế hơn vì bộ phim đang khai thác một showbiz của những người trẻ. Showbiz Việt hiện nay, những người có sức ảnh hưởng trong ngành giải trí càng ngày càng rất trẻ và tài năng. Cái tôi muốn khai thác ở đây là những góc khuất, những tham vọng, thử thách, khó khăn, cám dỗ mà các bạn trẻ phải đối mặt khi dấn thân vào showbiz.

Còn yếu tố tâm linh nói chung là chủ đề hấp dẫn đối với nhiều người chứ không riêng gì tôi, nhất là với người Á Đông. Người Việt Nam mình nói riêng vẫn phải sống với tâm linh mỗi ngày, từ việc thờ ông bà, tổ tiên, coi số để chọn đất đai… đều là tâm linh hết. Chủ đề tâm linh rất rộng và gây tò mò cho rất nhiều người. Việc khai thác yếu tố tâm linh trong phim, lần này là búp bê Khumathong chỉ là phương tiện để kể câu chuyện về những góc khuất trong showbiz.

PV: Làm việc với dàn diễn viên trẻ, có những người lần đầu đóng phim, chưa có kinh nghiệm diễn xuất, anh gặp thuận lợi và khó khăn gì?

Victor Vũ: Nhiều thuận lợi hơn, vì các bạn trẻ họ sẽ không bị lệ thuộc vào những thứ như kỹ thuật. Họ sẽ diễn theo bản năng riêng của họ. Đối với tôi, diễn xuất tự nhiên sẽ đời hơn. Đương nhiên, bên cạnh đó cũng có những thử thách riêng của nó, cũng có những rủi ro, nhưng thật sự các bạn diễn viên trẻ tôi chọn để vào phim mình, họ đã có tiềm năng rồi. Mình chỉ cần tìm cách khai thác nó thôi.

Trúc Anh đã vượt ra khỏi vùng an toàn

PV: “Thiên thần hộ mệnh” là dự án điện ảnh thứ 2 anh chọn Trúc Anh đóng vai chính. Vì sao anh lại tiếp tục ưu ái nữ diễn viên trẻ này đến vậy?

Victor Vũ: Trúc Anh phải đi casting giống như các bạn khác. Ban đầu tôi cũng hơi lo vì cái bóng của Hà Lan trong “Mắt biếc” quá lớn. Nhưng khi casting, Trúc Anh đã làm được điều mà tôi nghĩ rất khó là bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Trúc Anh đã bước ra được khỏi cái bóng của Hà Lan và nhập vào vai hoàn toàn khác với vai trước đây.

Ngoài ra, Trúc Anh cũng đúng tuổi của nhân vật trong phim, một cô sinh viên đang muốn dấn thân vào showbiz. Đặt Trúc Anh trong những tình huống như vậy, tôi nghĩ em ấy một phần rất hiểu nhân vật nên nhập vai dễ dàng hơn.

PV: So với thời đóng “Mắt biếc”, ở “Thiên thần hộ mệnh”, Trúc Anh đã có sự trưởng thành hơn trong diễn xuất. Anh đánh giá liệu Trúc Anh có tiềm năng để tiến xa hơn trong nghệ thuật?

Victor Vũ: Tôi chọn Trúc Anh lần 2 thì tôi phải nghĩ Trúc Anh làm được điều mình mong muốn và chắc chắn vai này khó và phức tạp hơn vai diễn trước đây. Tôi nghĩ, chắc chắn khán giả sẽ nhận ra sự tiến bộ, bất ngờ từ Trúc Anh.

Còn về tiềm năng có thể tiến xa hơn trong nghệ thuật, tôi nghĩ điều này do Trúc Anh thôi. Nhiều diễn viên thích sự an toàn. Không phải ai cũng lựa chọn mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Có người muốn mình gắn bó với một hình ảnh nhất định. Nhưng Trúc Anh là một diễn viên luôn luôn muốn học hỏi, thử thách bản thân với những vai diễn mới. Thật ra, đó là hướng đi của mỗi người, tôi không dám nói cái nào đúng, cái nào sai. Tôi nghĩ, con đường khó đôi khi có nhiều rủi ro, nhưng có thể đẩy mình đi xa hơn, thử thách mình với những vai diễn phức tạp hơn, buộc mình phải bước ra khỏi vùng an toàn.

"Tôi không quá quan tâm đến thành công hay thất bại"

PV: Thời gian qua, nhiều bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học thất bại khi ra rạp. Từng thành công với phim chuyển thể “Mắt biếc”, anh có thể chỉ ra những khó khăn khi làm phim chuyển thể, vì sao phim thất bại và công thức thành công của một bộ phim chuyển thể là gì?

Victor Vũ: Thật ra, thành công hay thất bại của bộ phim có nhiều lí do lắm, không phải là do phim chuyển thể đâu. Nhưng phải nói chuyển thể phim từ tác phẩm văn học rất khó. Không phải tiểu thuyết nào, tác phẩm văn học nào cũng chuyển thể được. Thực sự tôi đọc rất nhiều. Đôi khi tôi thấy câu chuyện quá hay nhưng mình không chuyển thể được vì nó không đủ yếu tố điện ảnh. Nội dung tác phẩm mình chọn có đủ yếu tố điện ảnh hay không. Nếu không rất khó. Vì điện ảnh và văn học quá khác. Phải tìm những cái mình khai thác được, làm tốt được.

Chắc chắn trong việc chuyển thể buộc phải hư cấu, hư cấu để thành phim điện ảnh trọn vẹn. Nhưng không hư cấu để thay đổi nội dung của tác phẩm văn học. Mình chọn tác phẩm văn học vì kịch bản gốc nó quá hay, quá tốt. Từ đó sẽ khai thác những gì tốt nhất vào trong phim của mình. Mình không có lý do gì để hư cấu quá nhiều, như vậy sẽ làm mất đi tinh thần, chất riêng của tác phẩm văn học.

PV: Không phải phim nào của Victor Vũ cũng đạt được doanh thu tốt. Anh đối mặt với thành công và thất bại như thế nào?

Victor Vũ: Tôi khá lạc quan trong vấn đề này. Mục đích của tôi không phải làm 1-2 phim rồi đi làm việc khác. Làm phim là đam mê không thể thiếu trong cuộc đời của tôi. Mục đích của tôi là làm nhiều phim, khai thác nhiều đề tài, kể nhiều câu chuyện, nên tôi đối diện với thắng thua, thất bại hay thành công không bị quá lệ thuộc. Kể cả thành công, tôi cũng không ngủ quên trên chiến thắng. Tôi muốn mình phải tỉnh táo để hiểu vì sao phim thành công, vì sao phim thất bại rồi mình tiếp tục. Như vậy tâm lý của mình nhẹ nhàng hơn, tập trung hơn vào những dự án tiếp theo.

PV: Gần đây nhiều bộ phim Việt Nam không chỉ phát hành trong nước mà đã phát hành ở thế giới. Theo anh những bộ phim Việt muốn tiến ra thế giới cần có những yếu tố gì để thu hút khán giả toàn cầu?

Victor Vũ: Câu hỏi này thú vị nhưng rất khó trả lời! Khi một bộ phim muốn ra thế giới thì phải có nội dung vượt khỏi giới hạn về ngôn ngữ và văn hóa, nó phải là những câu chuyện về con người và có những yếu tố mà bất cứ dân tộc hay quốc gia nào xem cũng cảm được. Đó là yếu tố đầu tiên.

Thứ hai là những thể loại kinh dị, hành động… không quá lệ thuộc vào ngôn ngữ sẽ dễ đi xa hơn. Nói như thế không có nghĩa là những phim chính kịch không thể phát hành rộng rãi.

PV: Điện ảnh châu Á thì những nền điện ảnh như Hàn Quốc, Thái Lan… có những nội dung rất riêng biệt. Vậy theo anh, điện ảnh Việt Nam có thể khai thác yếu tố nội dung gì để tạo nên bản sắc riêng như các nước đó?

Victor Vũ: Tôi nghĩ người Việt đề cao yếu tố gia đình, đề cao tình người và tình cảm. Đó là 3 yếu tố mà phim Việt có thể khai thác.

PV: Ngoài sự nghiệp điện ảnh thành công, anh còn một tổ ấm hạnh phúc với vợ cùng 2 con trai. Bận rộn là thế, anh cân bằng công việc với thời gian chăm sóc gia đình thế nào?

Victor Vũ: Thật ra nó là do mình thôi, mình muốn thì sẽ làm được. Tôi nghĩ không có công việc nào quá bận đến nỗi mình không sắp xếp được. Có thể mình không sắp xếp được nhiều, nhưng mình dành đủ thời gian để giữ sự kết nối với gia đình của mình. Chẳng hạn có những ngày tôi không làm việc, dành thời gian cho con, cho gia đình. Còn những ngày đi quay, tôi sẽ tạo điều kiện cho gia đình ở gần mình.

PV: Xin cảm ơn anh.

Nghe âm thanh cuộc trò chuyện tại đây