Lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh dân gian Hàng Trống từng xuất hiện và dần mai một ngay trên chính con phố Hàng Trống (vốn thuộc huyện Thọ Xương xưa), triển lãm "Từ truyền thống tới truyền thống" đã thông qua chất liệu sơn mài và lụa để đưa người xem đến với những giá trị mới mang tính tiếp nối, với mong muốn lưu giữ "màu dân tộc" trong dòng chảy cuộc sống đương đại.

Dự án triển lãm “Từ truyền thống tới truyền thống” là cơ hội để các sinh viên thuộc chuyên ngành sơn mài và lụa, khoa Hội họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tiếp xúc trao đổi và học hỏi từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Trong vòng 1 tháng, nhóm sinh viên tham gia dự án đã có cơ hội trải nghiệm thực tế với nghệ nhân Lê Đình Nghiên, để từ đó cho ra đời những sáng tác lấy cảm hứng từ dòng tranh Hàng Trống. Thậm chí, nhiều tác phẩm còn lấy chính không gian ngôi đình Nam Hương tọa lạc trên phố Hàng Trống để làm bối cảnh cho tác phẩm của mình.

Hơn 30 tác phẩm trong không gian trưng bày với chủ đề “Từ truyền thống tới truyền thống” là những phương án ứng tác, từ những tác phẩm mang xu hướng thiết kế cho đến những tác phẩm mang tính thử nghiệm có khả năng tương tác cao, chứa đựng những suy tư về giá trị di sản của văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

Với mong muốn nghiên cứu về các loài thực vật bản địa xuất hiện trong hội họa truyền thống, Nguyễn Thị Hoài Giang cùng Nguyễn Thị Trang giới thiệu tác phẩm sơn mài, giấy dó “Trong vườn hoa Hàng Trống”. Phần tranh sơn mài được tạo hình để khuyến khích người xem trực tiếp tương tác và cảm nhận bề mặt chất liệu. Phần giấy dó ghi chép lại những mẫu cỏ cây quen thuộc đã luôn hiện diện trong tranh dân gian từ bao đời nay... Theo Nguyễn Thị Trang, nét độc đáo của tranh Hàng Trống không chỉ ở chủ đề, bút pháp... mà còn ở kỹ thuật in (in trước rồi vẽ đè lên) và qua bàn tay của nghệ nhân để truyền tinh thần đến với người xem.

Lấy cảm hứng từ kỹ thuật và chủ đề của dòng tranh dân gian Hàng Trống, các tác giả trẻ đã vượt qua cách tiếp cận mô phỏng, ghi chép thông thường để sáng tạo, ứng tác, đối thoại được với di sản. Qua đó, viết tiếp những giá trị sáng tạo mới, đưa truyền thống vào đời sống và thực hành nghệ thuật đương đại. Chính vì thế, theo Thạc sỹ Văn hóa, Nhà phê bình Mỹ thuật Trần Thị Quỳnh Như, triển lãm này sẽ viết tiếp những giá trị của dòng tranh vang bóng một thời.

Triển lãm “Từ truyền thống đến truyền thống” sẽ diễn ra đến hết ngày 20/12. Hy vọng với thời gian trưng bày gần 2 tháng, triển lãm sẽ kích thích sự quan tâm của giới trẻ cũng như của cộng đồng trước những vấn đề sống còn của các giá trị di sản văn hoá nói chung cũng như của nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống nói riêng. Đây thực sự là một cách bảo tồn và phát huy giá trị di sản đầy sáng tạo.