Vậy là Hà Nội sắp có thêm một cây cầu, đồng nghĩa với việc người dân có thêm sự tiện lợi trong đi lại, giao thương - nhưng cũng thật buồn thay, khi vì đó mà thêm nhiều tranh cãi.

Dự án cầu Trần Hưng Đạo nối hai quận Hoàn Kiếm - Long Biên có chiều dài 5,5km (tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng) với kiến trúc mang phong cách 'xứ Đông Dương' (theo cách gọi của đơn vị thiết kế) mới đây đã được Hội đồng tuyển chọn của Hà Nội lựa chọn và đánh giá cao gần như tuyệt đối trong số các phương án đưa ra. Và ngay lập tức, câu chuyện “cầu Trần Hưng Đạo” đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận, từ những người trong giới kiến trúc, các chuyên gia… cho đến cả những người dân bình thường.

Thực ra đây không phải lần đầu tiên, một công trình của Hà Nội nhận được nhiều ý kiến như vậy. Còn nhớ, thời gian trước, công trình xây dựng Trung tâm văn hóa Hồ Gươm tại số 2 phố Lý Thái Tổ; cuộc thi thiết kế công trình cột mốc Km0 - thuộc Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm hay dự án xây dựng nhà ga ngầm C9 ven Hồ Hoàn Kiếm thuộc Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 cũng đã gây ra không ít tranh cãi và kéo dài nhiều năm. Cũng dễ hiểu, bởi đó không chỉ đơn thuần là một công trình công cộng, mà hơn thế, còn mang tính biểu tượng, có liên quan trực tiếp tới cảnh quan môi trường, văn hóa và sinh thái khu vực, do vậy những đòi hỏi, quan tâm của dư luận là tất yếu. Và với cây cầu Trần Hưng Đạo lần này cũng vậy.

Dường như lâu nay chúng ta chỉ quan niệm cây cầu là công trình giao thông mà chưa chú ý đến vấn đề kiến trúc, trong khi đây lại là lĩnh vực mà các nước trên thế giới đều rất coi trọng. Một cây cầu - ngoài phục vụ mục đích giao thông đi lại còn phải tạo được điểm nhấn cần thiết với một đô thị. Với cây cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng, nơi cửa ngõ Hà Nội, nên phải mang tính biểu tượng của Thủ đô.

Khoan hãy nói tới yếu tố kỹ thuật mà như nhiều chuyên gia đã phân tích là “kết cấu của cầu Trần Hưng Đạo vừa xung đột với đường thuỷ, vừa xung đột với đường không”, thì nhìn vào tổng thể, cảm nhận đầu tiên về cây cầu này là: nặng nề và lạc lõng. Lạc lõng ở lối kiến trúc mang tính chắp vá, tân cổ giao duyên, tựa như bản sao của một cây cầu mà ta đã từng bắt gặp ở đâu đó, có điều đó là bản sao lỗi. Và lạc lõng cả với bối cảnh xung quanh, với một Hà Nội hiện đại, năng động, thành phố của thời đại mới...

Càng “khó hiểu” hơn khi đơn vị thiết kế đã phản biện rằng: “Phương án mang dáng vẻ cổ điển, thơ mộng, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính, nét xưa cũ về một xứ sở đầy màu sắc và sinh động mà Hà Nội là thủ phủ - "xứ Đông Dương”. Vậy phong cách 'xứ Đông Dương' ở đây là gì? Phải chăng là phong cách kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp được áp dụng trong thiết kế nhà cửa thời Pháp thuộc ở nước ta? Nếu là như vậy thì việc áp phong cách này để thiết kế, xây dựng cầu Trần Hưng Đạo rõ ràng cho thấy sự thiếu tầm nhìn, thiếu sáng tạo. Trong khi nếu muốn, hoàn toàn có thể phát triển tinh thần cốt lõi của kiến trúc Pháp thuộc đó trong Kiến trúc Cầu hiện đại. Đó là sự ổn định, đĩnh đạc, sang trọng và thanh nhã.

Cầu Trần Hưng Đạo có tính chất văn hóa, kết nối địa danh lịch sử, các khu vực trung tâm nội đô lịch sử phía Nam sông Hồng với khu vực trung tâm phát triển phía Bắc sông Hồng, đồng thời mang tính biểu tượng của Thủ đô nên mỗi phương án cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng về công năng, yêu cầu kỹ thuật, tính thẩm mỹ chứ không thể đại khái. Nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng, nhưng sự sáng tạo phải trên tinh thần thể hiện tầm nhìn mới, mang tính thời đại mà vẫn đảm bảo các giá trị bản sắc văn hóa.

Luật Kiến trúc cũng đã quy định, với những công trình đặc biệt, mang tính điểm nhấn quan trọng của đô thị thì phải qua thi tuyển kiến trúc. Nhưng có lẽ như vậy là chưa đủ, thậm chí, còn cần triển lãm công khai để lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng trước khi chính thức phê duyệt.

Với cầu Trần Hưng Đạo và nhiều công trình công cộng - văn hóa khác, nếu không có sự cẩn trọng đủ mức cần thiết thì rất dễ cho ra đời những “tượng đài xấu xí”, sẽ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, chứ không chỉ đơn thuần là sự bất hợp lý và lãng phí.