Người Việt đã sớm có ước vọng hóa rồng. Ước vọng đó bắt đầu từ thuở hồng hoang và tồn tại từ đời này qua đời khác của những người con đất Việt, thể hiện trong việc chúng ta luôn tự nhận mình là hậu duệ của “rồng”, “tiên”.

Quá trình hiện thực hóa ước vọng hoá rồng vẫn còn dang dở, vẫn còn là ước vọng, cho dù chúng ta đã mất nhiều thế kỷ để làm công việc đầu tiên đầy khắc nghiệt, trả bằng xương máu và nước mắt, đó là khẳng định chủ quyền quốc gia.

Từ bài thơ thần của Lý Thường Kiệt với những câu “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời” đến Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi “Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời dựng xây nền độc lập / Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”, và sau này Chủ tịch Hồ chí Minh với câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã cho thấy lòng tự tôn và tinh thần độc lập tự cường chưa bao giờ nguôi ngoai của người Việt.

Tinh thần độc lập tự cường và lòng tự tôn dân tộc- đó chính là sự bất khuất, vĩ đại cần phải có của những con người có khát vọng hoá rồng. Và chúng ta đã có!

Nhưng để thực sự hoá rồng, để người dân Việt ngẩng cao đầu trong thế giới ngày nay, con rồng cháu tiên hiểu rằng trước hết phải có đôi cánh rồng và ngọn lửa nội lực.

Đôi cánh ấy, ngọn lửa nội lực ấy không thể có trong ngày một ngày hai, nó phải được định hình và bồi đắp qua vài thế hệ. Kiến thiết thế hệ tương lai lại chính là công việc của giáo dục.

Nhìn sang Nhật Bản, đất nước có xuất phát điểm nghèo khó vươn lên thần kỳ chính là nhờ cải cách nền giáo dục bắt đầu từ thời Minh trị. Nền giáo dục của Nhật vốn dành riêng cho tầng lớp thượng lưu trong xã hội đã chuyển sang một nền giáo dục toàn dân. Nền giáo dục phong kiến tầm chương trích cú đã chuyển sang nền giáo dục hiện đại tiếp thu những tinh hoa trong văn hóa và khoa học công nghệ từ phương Tây. Nhưng nền giáo dục hiện đại đó cũng đề cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và tôn vinh giống nòi.

Việt Nam vốn có tinh thần coi trọng giáo dục. Trường đại học đầu tiên, Văn Miếu Quốc tử giám lúc đầu ra đời với mục đích để dạy các hoàng tử con vua đã mở rộng ra thành nơi học hành, thi cử và tuyển chọn nhân tài. Bia đá trong Văn Miếu vẫn còn khắc khi tên của những tiến sĩ, người tài của đất nước. Trong đó có tấm văn bia với câu nói nổi tiếng của vị Tiến sĩ thời Lê Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia…”.

Sau khi giành độc lập năm 1945, Hồ Chủ tịch cũng bắt tay ngay vào công cuộc diệt giặc dốt vì theo Người “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Muốn vận mệnh dân tộc đi lên, điều trước tiên không thể khác là phải nhờ vào chiến lược đột phá cho giáo dục và khoa học công nghệ. Đây vốn là công việc của nhà kiến thiết, vượt tầm của những sự vụ và những điều vụn vặt. Chỉ có những người Việt được trang bị đầy đủ tri thức mới có thể chọn đúng con đường cho đất nước cất cánh. Chỉ có một cộng đồng Việt có giáo dục cao mới có thể cùng tạo dựng một xã hội phồn vinh và văn minh.

Khát vọng hoá rồng vẫn luôn tồn tại trong từng người dân. Nó mạnh mẽ như trong dự định xuất khẩu xe ô tô sang Mỹ, thiết bị 5G tự nghiên cứu phát triển trong nước thay vì dùng sản phẩm của Huawei.

Nó âm thầm len lỏi trong mong muốn dịch 500 cuốn sách tri thức nền tảng nhân loại để phổ biến cho người Việt của một nhà dịch thuật.

Nó lấp lánh trong những lớp học lập trình ươm mầm tài năng cho trẻ em với ước vọng đưa thung lũng Sillicon thu nhỏ về Việt Nam.

Nó cũng thể hiện trong những hành trình không biết mệt mỏi của những cá nhân tự nguyện huấn luyện STEM cho học sinh phổ thông hay nâng cao trình độ tiếng Anh cho các giáo viên khi chứng kiến đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 chật vật triển khai và đang phải gia hạn thực hiện thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa...

Rất rất nhiều cá nhân đơn lẻ đang mang chung một khát vọng - Khát vọng Việt Nam hoá rồng.

Khát vọng đó cũng nằm trong chiến lược Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và các Nghị quyết của Đại hội Đảng XII, XIII với những định hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Nhưng thực tế giáo dục như một cỗ máy đang bị kẹt bánh răng bởi bệnh thành tích đến từ người quản lý giáo dục, các nhà trường và cả các phụ huynh cùng với thói háo danh của toàn xã hội.

Vậy thì những lực cản cần phải được tháo bỏ, nguồn sức mạnh mang tên Khát vọng cần phải được tập hợp lại trong một công cuộc chung mang tên Đổi mới giáo dục với mục tiêu tạo ra những thế hệ người Việt có khả năng đưa đất nước hoá rồng.

Trước thềm xuân mới, với cảm nhận của mỗi người về thế và lực đang đi lên của đất nước, chúng ta có niềm tin Khát vọng hóa rồng có thể trở thành hiện thực.

Một dân tộc mạnh là một dân tộc không chỉ dám mộng mơ mà còn tìm ra cách để biến ước mơ thành hiện thực. Và chúng ta tin Việt Nam là một dân tộc mạnh!