“Phẩm cách quốc gia”, nhà toán học Nhật Bản Fujiwara Masahiko đã dùng cụm từ này trong cuốn sách cùng tên để lý giải căn nguyên người Nhật được thế giới tôn trọng cũng như sự phát triển vượt bậc của đất nước Nhật Bản.

Phẩm cách quốc gia của người Nhật theo Fujiwara Masahiko là tinh thần “võ sĩ đạo” với lòng trắc ẩn, không bắt nạt kẻ yếu, danh dự và lòng tự trọng… Phẩm cách quốc gia là nhận thức về bản thể con người trước vũ trụ, là sự kính trọng thiên nhiên dẫn đến cách sống hài hòa với thiên nhiên, là sự tinh tế trong cảm nhận cái đẹp và cả cách nhìn nhận mọi việc với tâm thế “thiền”. Phẩm cách quốc gia còn nằm ở tính cách coi thường chủ nghĩa kim tiền…

Phẩm cách quốc gia được Fujiwara Masahiko lý giải là nền tảng cho văn học, toán học của Nhật phát triển vào loại sớm hàng đầu thế giới, người biết chữ ở Nhật đến cuối thời kỳ Edo cuối thế kỷ 19 đã lên tới 80%. Nó cũng là tiền đề sâu xa để nước Nhật phát triển thần kỳ trong thế kỷ XX.

Vậy Việt Nam chúng ta có những phẩm cách đáng quý nào xứng tầm “phẩm cách quốc gia” để giúp dân tộc ta không chỉ độc lập tự cường mà còn làm cho chúng ta hùng mạnh trong tương lai khiến thế giới phải ngưỡng mộ? Và liệu những phẩm cách ấy có thể giáo dục, nâng tầm, lan tỏa qua nhiều thế hệ để chúng ta có được sự phát triển một cách bền vững?

Nhìn lại dân tộc Việt Nam, tôi tin chúng ta cũng có những phẩm cách mang tính giá trị phổ quát nhân loại.

Chúng ta có lòng yêu nước và ý chí kiên cường không chịu khuất phục. Bằng chứng là chúng ta có hàng nghìn năm lịch sử chống giặc ngoại xâm. Ở cạnh một nước lớn và không ít lần bị đô hộ nhưng chưa bao giờ người Việt bị đồng hóa hoàn toàn. Chúng ta có ngôn ngữ riêng, có phong tục tập quán riêng và có riêng một nền văn hóa được hình thành bản địa và tiếp thu những tinh hoa từ cả phương Bắc lẫn trời Nam. Và từng người dân sẵn sàng đứng lên giành lại độc lập chủ quyền dù trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào.

Chúng ta có tinh thần chịu khó, chịu khổ, vượt nguy nan. Trong mỗi lúc khó khăn, nguy cấp, người Việt ứng biến nhanh, tìm giải pháp tốt, không chịu ngồi bó gối. Ngay cả dịch Covid-19 đang làm chao đảo cả Mỹ, châu Âu và toàn thế giới thì Việt Nam trở thành tấm gương khi đã chống dịch thành công 2 lần. Chúng ta đang tiếp tục thần tốc chống dịch và từng người dân có niềm tin vào chiến thắng lần 3.

Chúng ta cũng có lòng trắc ẩn trước mọi nỗi đau và trước mọi hoàn cảnh khó khăn. Mỗi khi thiên tai, hoạn nạn, người Việt Nam sẵn sàng nhường cơm sẻ áo với nghĩa “đồng bào” dù đó là thời xa xưa hay ngay tại thế kỷ 21.

Chúng ta cũng có lòng hiếu học và sớm có nền khoa cử ngay từ thế kỷ XI, bằng chứng là Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ thời Lý năm 1070 và khoa thi đầu tiên được tổ chức vào tháng Hai năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075).

Và có lẽ người Việt còn nhiều những phẩm cách nữa xứng tầm phẩm cách quốc gia...

Nhưng tất cả những phẩm cách ấy sẽ bị mờ yếu nếu chúng ta không tôn vinh, gìn giữ và khơi dậy một cách đủ mạnh mẽ, đủ phổ quát để lấn át những tính cách xấu có thể có như thiếu trung thực, dối trá, tính hư vinh, thiếu tầm nhìn và chạy theo đồng tiền …

Bởi những tính cách đáng quý chỉ được nâng tầm lên “Phẩm cách quốc gia” khi nó xuất hiện ở đa số người dân trong một đất nước và chỉ có được nhờ giáo dục qua nhiều thế hệ.

Dự thảo Văn kiện ĐH Đảng lần thứ XIII có nêu một đột phá chiến lược liên quan đến yếu tố con người. Đó là trong giai đoạn 10 năm tới “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam”.

Chúng ta đã chọn điểm đột phá đúng và trúng, bởi con người vừa là đối tượng hưởng lợi vừa là yếu tố quyết định cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững của một quốc gia.

Nhưng để điểm đột phá thực sự được “đột phá”, giáo dục con người phải đi trước mọi sự đổi mới. Sẽ khó tạo ra đa số con người mang “phẩm cách quốc gia” nếu chúng ta thiếu một nền giáo dục thực học, chỉ nhăm nhăm chạy theo thành tích và bằng cấp. Sẽ khó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, đổi mới sáng tạo nếu khuyến học, khuyến tài chỉ nằm trên giấy.

Dân tộc Việt Nam vốn tiềm ẩn những phẩm cách đáng quý. Vậy thì chẳng lý gì chúng ta không thể khơi dậy, không thể tạo dựng thành “phẩm cách quốc gia”, một nền tảng sức mạnh con người giúp chúng ta đạt được mục tiêu “phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” như dự thảo Văn kiện đã nêu!