Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, một bác sĩ làm việc ở tuyến xã có thể kết nối với bác sĩ ở tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương để hỗ trợ tư vấn, chẩn đoán bệnh. Một người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng dễ dàng nhận được sự tư vấn trực tiếp từ bác sĩ ở các thành phố lớn. Một bệnh nhân đang cấp cứu ở một bệnh viện miền núi hay hải đảo, cách Hà Nội hàng nghìn cây số, thông qua hệ thống Telehealth được hội chẩn, phẫu thuật thành công… Gần 16.700 trang thiết bị y tế, 60.000 loại thuốc, 28.000 loại thực phẩm chức năng cùng 1900 hạng mục giá khám chữa bệnh đã được công khai giá trên Cổng công khai y tế từ ngày 20/11/2020….

Đó là những kết quả ban đầu mà chương trình chuyển đổi số y tế mang lại trong một khoảng thời gian chưa đủ dài khi mà ngành y tế vừa gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19 vừa coi đây là một cơ hội để “cách tân” chính mình.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tức ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện trong lĩnh vực y tế, bao gồm phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây là một xu hướng tất yếu. Ngày 3/6 vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, trong đó chuyển đổi số y tế là 1 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện trước. Và, cho tới thời điểm này, y tế cũng là lĩnh vực đã triển khai chuyển đổi số một cách tích cực nhất, tạo ra được những bước đột phá nhất.

Chúng ta còn nhớ, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, lần đầu tiên hàng triệu người dân Việt Nam đã ứng dụng cài đặt phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh để phát hiện, truy vết nhanh những người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Cũng lần đầu tiên nhờ công nghệ, các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, dù đang ở đâu vẫn tham gia hỗ trợ trực tuyến từ xa để điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Có thể nói, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phòng chống dịch đã đóng góp một phần không nhỏ đưa cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta tới chiến thắng cuối cùng.

Trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số, ngành Y tế đặt mục tiêu đến năm 2023, 135 bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt phải chuyển đổi số thành công, tức là phải thực hiện bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy – 1 trong những nội dung cốt lõi của chuyển đổi số. Từ năm 2024-2028, các bệnh viện còn lại thực hiện và chậm nhất đến năm 2030 chuyển đổi số ở tất cả các bệnh viện trên toàn quốc.

Ngành Y tế đang ở đâu trong lộ trình thực hiện những mục tiêu này? Theo thông tin từ ông Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, đến thời điểm này, 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện. 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam. 1.300 cơ sở y tế đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa Teleheath. Đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt trong y tế... Đây có thể xem là những nền tảng căn bản cho quá trình thực hiện chuyển đổi.

Nhưng, như thế không có nghĩa là sẽ thuận lợi để thực hiện việc chuyển đổi. Nếu nhìn vào con số 10/1400 bệnh viện và một phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, 23 bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho phim nhựa (tính từ tháng 10 năm 2019 đến nay) mới thấy, tốc độ chuyển số trong lĩnh vực y tế vẫn còn chậm, chưa như kỳ vọng.

Người đứng đầu Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề thay đổi tác phong làm việc của con người để phù hợp với chuyển đổi số. Chúng ta đã quá quen với phương pháp làm việc truyền thống, với ngồn ngộn sổ sách, giấy tờ và tâm lý chưa sẵn sàng sử dụng công nghệ thông tin.

Thứ 2 là vấn đề tài chính, không dễ gì để các bệnh viện có thể bỏ ra từ 20-30 tỷ đồng, thậm chí là 160 tỷ đồng nếu đầu tư bài bản từ đầu để số hóa toàn bộ quy trình làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh - cho dù những lợi ích mà nếu thực hiện được sẽ không hề nhỏ. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, nếu tất cả các bệnh viện dùng PACS để lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho in phim thì mỗi năm nước ta sẽ tiết kiệm được khoảng 4.000 tỷ đồng.

Vẫn biết chuyển đổi số là một chặng đường dài, không thể tính bằng năm và vẫn biết, ở thời điểm này ước mơ đến bệnh viện “3 không”: không xếp hàng, không hồ sơ giấy, không thanh toán bằng tiền mặt vẫn chỉ là mong nước của hàng triệu người dân, người bệnh, nhưng với quyết tâm thì có lẽ cũng không còn xa nữa những điều này sẽ thành hiện thực.