Suốt mấy hôm rồi ngồi nhà “cách ly tại gia”, đọc báo mạng, tôi có nhiều thông tin về người dân các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc, sau đêm 30/9/2021 rời Sài Gòn và các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai…trở về quê hương bản quán. Có người gọi đây là cuộc “tháo chạy”, “đào thoát”.

Hãy khoan bàn tới câu chuyện đúng hay không đúng, nên hay không nên trong việc “định danh”, như vừa nêu.

Xin tạm gọi đây là cuộc trở về, trở về từ tâm đại dịch.

Thật tâm trạng, rất nhiều nước mắt và lắm nỗi ưu tư.

Đừng trách đồng bào mình là thiếu ý thức, là tự phát, là bị ai đó kích động lôi kéo. Cũng đừng vội vã quy kết đồng bào mình vô tình hay cố ý lây truyền dịch bệnh để rồi xử phạt, thậm chí xử tù họ.

Hãy đặt mình vào tình cảnh đồng bào mình.

Đây là sự lựa chọn đầy khó khăn, là cách xử lý tình huống đặc biệt ở những khúc ngặt nghèo nhất của đời người. Không chỉ bằng lý trí, có thể là tiếng gọi bản năng. Trong vô vàn sự hiểm nguy, chọn điều ít hiểm nguy nhất. Trong nhiều nẻo đường, là đường về. Về quê hương bản quán, nơi đã ra đi.

Họ rời quê hương bản quán đến nơi xa cách hàng trăm, hàng ngàn cây số, để tìm việc làm, kiếm kế mưu sinh, đổi sức lực, mồ hôi lấy đồng tiền nuôi sống bản thân và gia định. Tâm trạng của “dân ngụ cư”, của kẻ làm thuê giữa những bức bách, cô đơn từ dịch giã, nó mệt mỏi thế nào, chẳng khó để mường tượng. Việc làm không còn, nguồn hỗ trợ từ chính quyền, cộng đồng xã hội vơi cạn. Không gian sống bí bách và tiềm ẩn nguy cơ, từ dịch bệnh, từ thiếu đói, nợ nần, từ những hiểm họa bất kỳ, từ thực trạng ngổn ngang dịch giã và những dự liệu hậu dịch giã không mấy sáng sủa…

Và họ tìm con đường về. Ngay trên đất nước mình. Giữa người anh em của mình. Vì cuộc sống, bất chấp rủi ro, họ ra đi. Vì sự sống còn, bất chấp hiểm nguy, họ trở về.

Rất cảm phục cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông, trên các cung đường, nơi lũ lượt đồng bào mình đi qua. Không chỉ từ đợt trở về này, mà từ các đợt trước nữa. Lít xăng, ổ bánh mỳ, chai nước. Cánh tay chỉ đường, lời hướng dẫn, động viên, và cả chiếc ô tô có dòng chữ Cảnh - sát - giao - thông dẫn đường. Người dân cảm nhận sự quan tâm, chia sẻ, thái độ tôn trọng từ phía nhà chức trách. Trong mắt người dân, hình ảnh người cảnh sát giao thông trở nên dung dị, hồn hậu hơn.

Và nữa, thật sự kính phục những con người nhân hậu, giàu lòng vị tha! Không nhân danh ai, chẳng cần ai động viên kêu gọi, họ nhận lệnh từ trái tim mình. Họ có mặt mọi nơi, không quản đêm hôm, mưa gió, từ cửa ngõ Sài Gòn đến cung đường hun hút miền Tây, dằng dặc, trắc trở miền Trung, Tây Nguyên… Họ hỗ trợ đồng bào mình đồng tiền, hộp sữa, chuyến xe, tấm áo ngăn mưa, lời an ủi, với thái độ tương kính, đồng cảm. Cộng đồng gọi họ là mạnh thường quân, là đội quân thiện nguyện. Thế, chưa đủ. Họ như là Thiên Sứ, đến với dân mình khi hoạn nạn.

Những ngày qua, phía nước mắt, nơi rất nhiều thân phận bị tổn thương, hờn tủi, sao thấy thiếu vắng những đại diện của hệ thống chính trị vốn vẫn thường trực và hùng hậu? Ở đâu, hình ảnh mái nhà dựng tạm ở cung đường trọng yếu, nơi chân đèo, đỉnh dốc, để mọi người có thể dừng chân, qua đêm, đỡ vất vưởng, vạ vật?

Cho nên, thật đáng kính trọng chính quyền tỉnh Phú Yên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và một vài tỉnh khác, đã làm được cái việc bình thường - lớn lao: Thuê ô tô, tàu bay đón rước bà con mình về quê. Sao lãnh đạo bao tỉnh, thành không nghĩ ra điều này? Người dân tha phương tìm kế sinh nhai, lâm vào cảnh khốn cùng, xét cho cùng, có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Thành công thành đạt trên bước đường mưu sinh, họ thành người con ưu tú của quê hương, đóng góp để quê hương thêm giàu thêm đẹp. Gặp khi trắc trở, cùng quẫn, lẽ nào quê hương chối bỏ? Mà họ ra đi cũng vì nơi quê hương thiếu công ăn việc làm, điều này lỗi trước hết thuộc về chính quyền, đâu phải từ người dân?

Từ những cuộc trở về từ tâm đại dịch này, rất nhiều ưu tư và tâm tư.

Rồi đây, khi vãn dịch, công trường xí nghiệp nhà máy trở lại hoạt động, còn đâu lực lượng lao động? Từ những cuộc trở về, tình trạng thiếu hụt nguồn lao động tất yếu xảy ra, sức cạnh tranh hàng hóa có còn? Liệu bao nhiêu cơ sở sản xuất, dịch vụ phải thu hẹp, đóng cửa? Có bao doanh nghiệp FDI nói lời chia tay, tìm bến đỗ mới?

Hàng nghìn, hàng vạn lao động trở về, liệu có tìm được việc làm nơi quê nhà?

Bỗng nghĩ đến chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khởi động từ nhiều năm rồi, cùng bao chương trình, dự án dài hơi tốn kém khác, đã tạo được bao ngành nghề, việc làm, để người dân ly nông không ly hương?

Lại nghĩ đến công cuộc quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp nước nhà.

Không chỉ đến cuộc đại trở về lần này, mà từ những cuộc về quê nghỉ Tết bao năm trước, đã nhận ra khiếm khuyết trong quy hoạch, bố trí các khu kinh tế, khu công nghiệp quá tập trung ở trung tâm đô thị phía Nam. Có cách nào thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư về miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía bắc? Có cách nào khai thác nhiều hơn diện tích đất đai vùng đồi núi, vùng sỏi cát khô cằn để phát triển công nghiệp dịch vụ hơn là san lấp ruộng đồng bờ xôi ruộng mật?

Lại nghĩ đến khái niệm “kịch bản”. Chúng ta thường nói đến mỗi khi có giặc giã, thiên tai, dịch bệnh. Trong đại dịch Covid-19, hình như chúng ta chưa có kịch bản, dự liệu những tình huống có thể xảy ra và giải pháp ứng phó? Bị động, lúng túng là trạng thái thường thấy, và tất yếu không tránh khỏi có khoảnh khắc vỡ trận, bung, toang.

Hôm qua, 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện hỏa tốc chỉ đạo các tỉnh đón dân về quê. Động thái này đã làm ấm lại niềm tin nơi người dân.

Qua cơn hoạn nạn, càng thấm cái tình cái nghĩa đồng bào.

Qua cơn hoạn nạn, cần thấy bao nhiêu điều phải đổi thay.

Và, qua cơn hoạn nạn, thấy rõ ai tài ai kém, ai thực sự yêu nước thương dân, ai thực sự có trách nhiệm trước an nguy của nhân dân, đất nước.

(Ảnh bài viết: nhà báo Lê Hải Sơn - Cơ quan thường trú Đài TNVN tại khu vực miền Trung)