Ngoảnh đi ngoảnh lại đã sắp hết một năm bất thường, một năm kỳ dị, “hiếm và lạ”. Ngay từ trong đêm giao thừa đón xuân Canh Tý, trong khi các gia đình đang quây quần bên bữa cơm tất niên hoặc soạn sửa mâm cúng để tiễn đưa năm cũ, nghênh đón năm mới thì sấm chớp như xé toang không gian ấm cúng của đêm trừ tịch. Mưa ào ạt, mưa xối xả, giông lốc và cả mưa đá xuất hiện ở nhiều tỉnh thành phía bắc trong đó có Hà Nội. Ánh mắt của những cao niên thoáng chút bồn chồn, lo lắng, phải chăng đây là hiện tượng lạ và không phải điềm lành? Cũng còn bởi, Canh Tý là năm mở đầu của một khoa giáp mới nên người dân phấp phỏng, âu lo cũng là điều dễ hiểu.

Vậy là, trong không khí đón xuân Canh Tý ngập tràn 3 miền còn có cả những thông tin không mong đợi, thống kê thiệt hại do mưa đá và giông lốc gây ra trong đêm giao thừa và ngày mùng 1 tết. Ít ai biết, đó mới chỉ là mở đầu cho một chuỗi 365 ngày bất ổn bởi thiên tai và dịch bệnh.

Ngay chiều 26/1/2020, tức mùng 2 Tết Canh Tý, một cuộc họp khẩn do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì đã được tổ chức tại Bộ y tế bàn về cách ứng phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc. Người dân vẫn tưng bừng vui Xuân đón Tết, hầu như không ai đoán định được dịch viêm phổi tưởng như quen thuộc ấy chỉ rất nhanh sau đó lại như một cơn bão đen bao phủ toàn cầu với sức công phá dữ dội. Cả thế giới điêu đứng, ngả nghiêng và Việt Nam cũng không nằm ngoài sự tác động ghê gớm của đại dịch.

Chưa dừng lại ở đó, người Việt còn phải chịu sự mất mát và những nỗi đau không chỉ từ cơn bão mang tên Covid-19. Thảm họa thiên tai với hình thế thời tiết hết sức hỗn tạp, lũ chồng lũ, bão chồng bão với cường độ được cho là “dị thường”, cùng những trận lở đất kinh hoàng nhấn chìm, càn quét dải đất miền Trung đến tang thương, kiệt quệ.

Một năm Canh Tý “mưa không thuận, gió không hòa”, một năm nếu được ví là con tàu thì đã không “thuận buồm xuôi gió” ngay từ lúc khởi hành. Con tàu ấy theo lịch âm, đang đi nốt những chặng đường cuối cùng, để cập bến, kết thúc một hành trình bão táp. Vậy người Việt học được gì, cảm nhận được những gì sau một chuyến đi giông bão với 365 ngày đầy ắp cảm xúc?

Hoang mang, lo lắng, thậm chí có những lúc là cảm giác bất lực trước những thông tin cập nhật mỗi ngày. Phong tỏa, giãn cách xã hội, rồi thì khủng hoảng, thất nghiệp, phá sản…, những khái niệm với không ít người lần đầu được biết tới. Đến người có sức bền, vững chí nhất cũng khó mà bình tâm trước sự tàn khốc mà dịch bệnh gây ra. Cả thế giới hoảng loạn, đâu phải chỉ hơn 95 triệu người dân Việt Nam.

Phải thừa nhận, có những thời điểm, không phải là không có những nghi ngại, hoang mang, kể cả mất niềm tin. Với một đất nước tiềm lực không nhiều, kinh tế khó khăn, lại thêm cú “nốc ao”do bão lũ “dị thường” tại miền Trung, để đối phó với làn sóng dịch bệnh khủng khiếp như Covid 19 quả là một việc “tưởng như không thể”. Vậy mà chúng ta đã làm được, đã dìu nhau vượt qua một năm thăng trầm với một triết lý từ ngàn đời, cô đọng mà thấm đẫm cái tình - “Thương người như thể thương thân”. Chỉ có yêu thương mới xóa bỏ được giới tuyến của lòng người, chỉ có yêu thương mới khiến con người xích lại gần nhau để cùng chung sức, đồng lòng vượt qua ghềnh thác.

Ngay lúc này, thời điểm này, khi mùa xuân Tân Sửu sắp gõ cửa, sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng đưa Việt Nam trở lại cuộc chiến đã dần không còn lạ lẫm. Rất có thể cái tết Tân Sửu năm nay sẽ không được trọn vẹn, rất có thể chúng ta sẽ phải sống lại cảm giác “thời chiến” của những ngày chống dịch của năm Canh Tý 2020. Tuy nhiên, với những gì chúng ta đã làm được, “khiến cả thế giới cảm động và khâm phục”- chống dịch bằng một trái tim nóng với một cái đầu lạnh và sự đoàn kết, sẻ chia, yêu thương…thì không lẽ gì chúng ta không vượt qua được thử thách cam go này.

Với nhiều người, “năm chuột” sắp qua đi là một năm “thất bát”, “đen đủi” ngay cả khi còn vài ngày nữa là bước sang năm mới. Một năm đáng ra phải quên đi, nhưng lại không thể quên, thậm chí cần phải nhớ. Nhớ, để biết trân trọng hơn với những gì mình đang có, thêm niềm tin, thêm hy vọng cho những dự tính ngày mai. Biết đâu, “trong cái rủi lại có cái may”, trong khó khăn, thách thức lại nhìn thấy cơ hội, tận dụng nó thành lợi thế, biến lợi thế thành nguồn lực, tạo nên thành quả. Cũng như theo lẽ của tự nhiên, sau thời điểm khó khăn và bão tố nhất, thường lại sẽ là những ngày mưa đều nắng tỏa. Và như thế, không lý gì chúng ta không hy vọng, một ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.

Chợt nhớ cái minh triết sống thấm trong từng câu ca Bình Trị Thiên “Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, thật đúng với tính cách con người miền Trung, quanh năm bão gió nhưng lạc quan bát ngát, ung dung, tự tại, cũng giống như con người Việt Nam “chịu thương chịu khó” và không chịu khuất phục trước những khó khăn, trở ngại.

Thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới Tân Sửu cận kề, người Việt Nam theo truyền thống lại tiễn các Táo về trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng về một năm qua đi, một năm dù “mưa không thuận, gió không hòa” nhưng lại cho mỗi chúng ta thật nhiều năng lượng với một tâm thế vững vàng để bước vào một hành trình mới: BÌNH AN với nhiều YÊU THƯƠNG và HY VỌNG.