Trong danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 được ban hành kèm theo công văn số 5944/BYT-YDCT ngày 24/7/2021 của Bộ Y tế (hiện đã bị thu hồi), người ta thấy có tên một số sản phẩm không hoặc rất ít có liên quan đến bệnh lý viêm đường hô hấp do SarS-CoV-2, như Hoạt huyết Nhất nhất hay những sản phẩm mà ngay cả cơ quan chức năng cũng đã khẳng định rằng đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 về hiệu quả phòng và điều trị các bệnh lý do virus lây lan qua đường hô hấp, tăng sức đề kháng, hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh và triệu chứng bệnh… như sản phẩm Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương…

Chưa rõ vì lý do gì một sản phẩm đang được thử nghiệm lâm sàng lại có tên trong danh mục 12 thuốc y học cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, được sử dụng để phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19. Thôi thì cứ tạm chấp nhận lý do sơ xuất trong quá trình soạn thảo văn bản vì cuối cùng Bộ Y tế cũng đã kịp thời thu hồi công văn chỉ sau có 2 ngày ban hành với lý do: một số nội dung không phù hợp.

Nhưng lạ là ở chỗ, ngày 19/7 tức là chỉ 5 ngày trước khi công văn số 5499 của Bộ Y tế được ban hành, sản phẩm Viên nang Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đang có giá bán từ 250-300 nghìn đồng/1 hộp 45 viên, đã được Công ty ra văn bản thông báo điều chỉnh giá lên 1 triệu đồng/hộp 2 vỉ 15 viên. Với công dụng được quảng cáo là bổ sung kháng thể, tăng sức đề kháng, hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh... và đặc biệt khi “vinh dự” có tên trong danh mục 12 loại thuốc để phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, có dấu đỏ của Bộ Y tế thì đương nhiên trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây như hiện nay sản phẩm có gây sốt trên thị trường cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng vì sao Công ty lại đón đầu, tăng giá sản phẩm lên gấp 3 lần đúng vào thời điểm công văn của Bộ Y tế sắp được ban hành? Đại diện của Sao Thái Dương đã giải thích với một số cơ quan truyền thông rằng, viên nang cứng Kovir là sản phẩm mới của Công ty, vừa được đưa ra thị trường trong tháng 7 này, được chiết xuất từ các dược liệu quý và khác so với sản phẩm cũ cũng mang tên Kovir nhưng là viên nang mềm, có giá bán 250.000đ/hộp.

Viên nang cứng có tác dụng đặc hiệu hơn trên các bệnh lý do virus, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh và triệu chứng bệnh. Còn viên nang mềm có tác dụng phòng ngừa các bệnh do các loại virus thông thường…

Nhưng, trong danh mục 12 loại thuốc được Bộ Y tế công bố lại chỉ có tên sản phẩm: Viên nang Kovir (Công ty Cổ phần Sao Thái Dương) chứ không phân biệt viên cứng, viêm mềm.

Và giả dụ có đúng như lời ông Nguyễn Thế Thịnh – Cục Trưởng Cục Quản lý Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế nói “đây là thuốc do doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ, không phải để đấu thầu” thì nên hiểu thế nào khi công văn 5944 của Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền cả nước căn cứ vào công văn này để “tham khảo, lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức cá nhân, ủng hộ cho cơ sở khám chữa bệnh để điều trị cho người bệnh Covid-19…”.

Hơn nữa, trước công văn 5944, ngày 24/6 Cục Quản lý y dược học cổ truyền, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các sở y tế hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền trong phòng và điều trị COVID-19. Công văn này cũng hướng dẫn sử dụng sản phẩm Kovir cả dạng viên nang cứng và viên nang mềm, trong khi với viên nang cứng ngay cả cơ quan chức năng là Bộ y tế cũng đã thừa nhận đang trong giai đoạn nghiên cứu, cũng có nghĩa là chưa đủ điều kiện lưu hành.

Việc đưa một sản phẩm thuốc như vậy được vào công văn hướng dẫn các cơ sở y tế sử dụng liệu có phải do sơ suất? Câu hỏi này cần được chính đơn vị chủ quản là Cục Quản lý y dược học cổ truyền, Bộ Y tế trả lời rõ.

Với Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, sự nhập nhèm liên quan đến nhãn hàng Kovir không phải mới xảy ra lần đầu. Còn nhớ, vào tháng 9 năm ngoái, cũng trong thời kỳ dịch bệnh, sản phẩm Kovir của công ty này được đồn thổi trên các trang mạng là có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19, khiến nhiều người đổ xô đi mua. Cục An toàn thực phẩm ngay sau đó đã lên tiếng khẳng định, đây là thông tin không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid-19.

Trở lại với sự việc lần này, vai trò đầy dấu hỏi của cơ quan chức năng, cũng như sự nhập nhèm về sản phẩm của Sao Thái Dương cũng đủ để dư luận đặt câu hỏi lớn: Có hay không việc họ đang ăn theo dịch bệnh, bằng một cách không sạch sẽ?