“Năm Covid” là một năm rất đặc biệt với những người làm ngành y. Là năm mà lần đầu tiên một cuộc họp khẩn về phòng chống virus nCoV được diễn ra vào sáng 30 Tết tại phòng họp Bộ Y tế, với sự có mặt của nhiều cán bộ, chuyên gia truyền nhiễm cùng hàng trăm phóng viên báo chí. “Năm Covid” cũng là năm mà nhiều chuyên gia, bác sĩ, cán bộ y tế không được đón một cái tết trọn vẹn cùng gia đình.

Ngày 23/1/2020 (tức 29 Tết), Việt Nam có hai ca bệnh đầu tiên là cha con người Wuhan, China - xuất phát điểm của dịch bệnh. Kể từ đó cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta chính thức bắt đầu.

Cũng ở thời điểm đó, tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore đã ghi nhận những ca bệnh xâm nhập từ China, trong lúc những tranh cãi về chủng virus gây bệnh vẫn chưa ngã ngũ. Bệnh cúm có nguồn gốc từ China hay viêm phổi lạ… là những cách gọi lúc đó.

Nhưng, cho dù chưa gọi được chính xác tên virus, chưa đặt tên được dịch bệnh thì dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng y tế là nòng cốt đã quyết liệt vào cuộc. Ngay trong dịp Tết nguyên đán, toàn bộ hệ thống phòng dịch đã được kích hoạt, với mức cảnh báo cao hơn so với thực tế để chủ động: “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly- Khoanh vùng - Dập dịch”, trên tinh thần: “chống dịch như chống giặc”.

Để thực thi những công việc này, đã có nhiều biện pháp quyết liệt, lần đầu tiên được áp dụng trong công tác phòng chống dịch như: Hạn chế nhập cảnh, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về, truy vết người tiếp xúc trên diện rộng... Những công việc này, chưa nói đến sự nguy hiểm, chỉ xét trên bình diện khối lượng đã thấy cực kỳ khó khăn vất vả và cán bộ y tế là những người tiên phong trong triển khai nhiệm vụ này.

Trong giai đoạn 1, để ngăn chặn nguồn bệnh từ xã Sơn Lôi huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc ra ngoài cộng đồng – 96 nhân viên y tế đã thay phiên nhau túc trực ở 10 chốt kiểm soát trong 28 ngày, giữa cái lạnh tê tái của mùa đông ở miền Bắc. Chưa kể đến các đội y tế dự phòng và quân y đi thường xuyên đi phun thuốc khử trùng, đo thân nhiệt ngày 2 lần cho gần 11 nghìn người dân ở đây và những cán bộ y tế trong khu vực điều trị, mà đây mới chỉ là những công việc mà cán bộ y tế đã làm ở 1 xã thuộc 1 huyện có nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nhất trong giai đoạn đầu của dịch Covid.

Khi dịch bùng phát trên diện rộng ở TP Đà Nẵng, cường độ làm việc của cán bộ y tế còn khốc liệt hơn gấp nhiều lần vì dịch xảy ra ở bệnh viện và đa phần rơi vào nhóm bệnh nhân có các bệnh lý nền. Số ca mắc mỗi ngày một tăng, số lượng bệnh nhân nặng cũng mỗi ngày một nhiều lên. Áp lực không để bệnh nhân tử vong đè nặng lên đội ngũ y bác sĩ trong các phòng bệnh. Những cuộc hội chẩn liên tiếp, những cuộc họp xuyên đêm và những bữa cơm ăn vội…tất cả đã trở nên quá đỗi bình thường trong bối cảnh mà sự an toàn và tính mạng của bệnh nhân Covid được đặt lên hàng đầu.

Cùng với các y bác sĩ điều trị, những cán bộ xét nghiệm cũng phải làm việc suốt ngày đêm, mỗi ngày xét nghiệm cho hàng nghìn mẫu bệnh phẩm. Có thể nói, chưa bao giờ lượng mẫu xét nghiệm phải làm trong ngày nhiều đến như thế, cũng chưa bao giờ áp lực phải nhanh chóng tìm ra những người dương tính với SARS-CoV-2 lại lớn đến như thế. Cái nóng ở miền Trung cùng với sự bất tiện, bức bối khi khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân chưa bao giờ khiến họ cho phép mình chùn bước.

Trong giai đoạn 2 của dịch có những ngày thành phố Đà Nẵng – nơi tâm dịch công bố đến 45 ca mắc mới và đã có bệnh nhân tử vong, trong khi có những người tìm mọi cách rời Đà Nẵng để được an toàn thì y bác sĩ ở các địa phương, theo lời kêu gọi của thành phố đã ngược chiều đám đông vội vã đến Đà Nẵng, với quyết tâm “chưa hết dịch chưa về”. Có bác sĩ đã dời ngày tổ chức đám cưới, có người hoãn đi trăng mật và có những bác sĩ xung phong vào tâm dịch trong lúc vợ vừa sinh con đầu lòng. Rất nhiều câu chuyện và nhiều hình ảnh xúc động được truyền đi trong tâm dịch tự nó đã nói lên tất cả.

Nếu nói Covid-19 như một phép thử năng lực của ngành y, điều này không sai. Trong cuộc chiến này, các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đã làm việc vượt sức mình với một mục tiêu duy nhất là kiểm soát và chiến thắng dịch bệnh để cộng đồng được bình yên.

Cho đến hôm nay chúng ta đã trải qua hai giai đoạn và bốn đợt dịch.Thật khó để có thể làm một phép tính về những gì cán bộ y tế đã làm để ngăn chặn, phòng chống dịch trong suốt 11 tháng qua.Nhưng có thể khẳng định, đó là một khối lượng công việc đồ sộ chỉ có y tế Việt Nam làm được. Chính sự dấn thân của những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch đã góp phần đưa cuộc chiến chống dịch ở nước ta sớm đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ngày hôm nay trong khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới thì chúng ta đang có những ngày bình yên và Việt Nam là một trong số ít những quốc gia mà cuộc sống của người dân đã trở lại trạng thái bình thường mới.

“Năm Covid” đã khép lại, những y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch cũng đã trở về nơi mà họ công tác để tiếp tục công việc của mình và cho dù không phải ai, cũng không phải tất cả trong số họ đều được nhớ đến, được khen thưởng, tri ân về những đóng góp thầm lặng của ngày hôm qua, nhưng có lẽ cũng không vì thế mà họ chùn bước. Cuộc chiến với SARS-CoV-2 vẫn chưa kết thúc và họ - những chiến sỹ áo trắng vẫn luôn sẵn sàng vì sự bình yên của cộng đồng.