Cách đây không lâu hình ảnh hơn 1.000 học sinh và giáo viên của trường THPT Tây Hiếu, thị xã Thái Hoà, tỉnh Nghệ An ôm nhau khóc giữa sân trường, cùng chia sẻ yêu thương trong một buổi sinh hoạt ngoại khoá đã khiến cư dân mạng “dậy sóng” vì xúc động. Câu chuyện bắt nguồn từ việc nhà trường mời diễn giả Đào Ngọc Cường đến chia sẻ với học sinh về tình cảm gia đình, công ơn cha mẹ, thầy cô. Những câu chuyện cảm động được khơi gợi và bày tỏ khiến cả sân trường hơn 1.000 học sinh và giáo viên cùng rơi nước mắt, tự xích lại, quây tròn ôm lấy nhau.

Buổi sinh hoạt ngoại khoá ấy đã gây nhiều cảm xúc và trở thành hiện tượng.

Trước đó, vào cuối tháng 10 vừa qua, bức thư của thầy Hà Văn Quý, hiệu trưởng trường THPT Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với những chia sẻ dặn dò ấm áp và thấu hiểu gửi đến học sinh của mình ở vùng lũ cũng đã được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội và lay động hàng triệu trái tim.

Bức thư tràn đầy sự thấu hiểu và tình cảm chân thành ấy cũng đã trở thành một hiện tượng.

Vì sao một lá thư giàu cảm xúc có thể "gây bão"?

Vì sao một buổi sinh hoạt ngoại khoá khơi gợi lòng trắc ẩn lại trở thành một hiện tượng?

Có nhiều cách lý giải ở góc độ khác nhau nhưng có lẽ, trước hết, là bởi nó hiếm khi hoặc chưa từng xảy ra như thế!

Trong khi đầy rẫy những thông tin về bạo lực học đường với các vụ việc diễn ra khá thường xuyên. Có không ít những vụ đấm đá tàn bạo mà nạn nhân và kẻ gây thương tích, tội ác là bạn cùng lớp, cùng trường. Cũng không ít những thông tin, vụ việc về mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa phụ huynh và nhà trường, giáo viên mà cách hành xử đã vượt ra khỏi không chỉ quy phạm đạo đức thông thường mà thậm chí, còn khó có thể tưởng tượng được. Và một điều còn gây ám ảnh nữa đó là, sự thờ ơ, thậm chí hò reo, cổ vũ, thản nhiên quay clip của những người chứng kiến.

Đạo đức xã hội xuống cấp. Và phải chăng, áp lực học hành, thi cử, cuộc sống nhọc nhằn, chao chát khiến người ta thiếu đi sự trân quý cảm xúc, tình cảm, ngay cả trong môi trường học đường? Có lẽ vì thế mà một bức thư tình cảm, một buổi sinh hoạt ngoại khóa bày tỏ tình yêu thương trở thành "hiện tượng lạ".

Sự xơ cứng về cảm xúc hay sự xuống cấp của đạo đức của học sinh có nhiều nguyên nhân. Nhưng có một điều phải thẳng thắn nhìn nhận, đó chính là việc giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa phù hợp, thuyết phục, chưa khơi gợi được ý thức, mong muốn “học làm người”.

Môn học đạo đức, giáo dục công dân được dạy xuyên suốt các bậc học phổ thông. Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn luôn được treo trang trọng. Nhưng chương trình dạy lại ôm đồm, nặng về lý thuyết, không gắn liền với đời sống. Thậm chí mang tính áp đặt, nhồi nhét, khô cứng, vẫn “nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người”.

Đã đến lúc thay vì những tiết học nhàm chán, những bài học đạo đức xa vời, nhà trường cần tạo ra những cơ hội để học sinh thể hiện cảm xúc cá nhân như những buổi sinh hoạt ngoại khoá mà trường THPT Tây Hiếu đã làm. Có thể chưa làm thay đổi được gì nhiều nhưng sau cái ôm tập thể của hơn 1.000 học sinh, giáo viên ấy thì chắc chắn sẽ là những cái nhìn ấm áp thân tình và sự xích lại gần nhau hơn. Cũng như thế, sau lá thư của thầy hiệu trưởng, học sinh trường THPT Quảng Ninh, Quảng Bình hẳn sát cánh cùng nhau vượt qua khó khăn thiếu thốn một cách dễ dàng và giàu cảm xúc hơn.

Lễ Giáng sinh và năm mới đang đến thật gần. Mùa của ấm áp, của tình thân, của lòng trắc ẩn. Yêu thương có khi nào là thừa? Đạo đức, lẽ phải luôn là điều phải được tôn trọng. Khi các nhà trường, thầy cô giáo truyền được năng lượng tích cực, dành thời gian, tâm sức dạy cho các em những bài học đạo đức một cách thuyết phục và đầy cảm hứng thì có lẽ, những điều tồi tệ sẽ phải dần nhường bước.