Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc. Bên cạnh lời khen ngợi rằng đây là kỳ họp thành công với các bước tiến thì nhiều đại biểu cũng thừa nhận, tại kỳ họp này của Quốc hội có cả những bước lùi.

Theo dõi kỳ họp vừa rồi, người dân có thể thấy Quốc hội đã có sự đổi mới mạnh mẽ. Điển hình là việc áp dụng khoa học công nghệ. Đợt 1, thay vì họp trực tiếp, tiếp tục phát huy kết quả từ kỳ họp trước, Quốc hội tiến hành họp trực tuyến. Đây là cách thức vừa phòng ngừa dịch Covid-19 hiệu quả vừa tiết kiệm thời gian, công sức của đại biểu, đồng thời giảm được một khoản chi đáng kể tiền ngân sách mà nội dung, chất lượng cuộc họp vẫn đảm bảo.

Cũng tại kỳ họp này, nhiều vấn đề quan trọng, có tính cấp thiết, liên quan trực tiếp đến đời sống, xã hội mà cử tri quan tâm đều được Quốc hội đem ra thảo luận, làm rõ nguyên nhân và bàn giải pháp xử lý như việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, hay chuyện “thủy điện và lũ lụt” tại miền Trung…

Hoạt động chất vấn tại nghị trường ngày càng cởi mở, thẳng thắn, thậm chí gay gắt, cho phép các đại biểu “truy” đến cùng những vấn đề “nóng” mà cử tri quan tâm. Theo đó, các thành viên Chính phủ và “tư lệnh” ngành có trách nhiệm trả lời hoặc có cơ hội giải trình trước các vấn đề đại biểu nêu ra.

Đặc biệt, ở kỳ họp này, cử tri còn thấy rõ bản lĩnh và trình độ của các đại biểu không ngừng được củng cố và nâng lên qua việc bày tỏ quan điểm một cách thẳng thắn, công tâm, bình đẳng, vì lợi ích quốc gia, không lệ thuộc hay phụ thuộc vào bất cứ ai.

Tuy nhiên, có lẽ chưa kỳ họp nào, chất lượng các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thảo luận lại khiến các đại biểu thất vọng nhiều đến thế. Đó là câu chuyện “tách” lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra khỏi Luật Giao thông đường bộ thành luật riêng, với tỷ lệ gần 63% đại biểu cho rằng không nên tách. Hay như, quy định về việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an, khi Quốc hội thăm dò ý kiến, cũng có tới gần 67% đại biểu không đồng tình. Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng vậy, hơn 60% đại biểu Quốc hội cho rằng chưa cần thiết ban hành.

Thất vọng về các dự án luật, nhiều đại biểu đã phải thốt lên rằng “mất thời gian quá”, thậm chí thẳng thắn yêu cầu Chính phủ và những người có trách nhiệm cần phải xem xét lại công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật. Có hay không tình trạng nể nang, né tránh trong vấn đề này khi trình ra Quốc hội những dự thảo luật kém chất lượng như vậy, đồng thời yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị liên quan của Quốc hội.

Trước những dự thảo luật khiến nhiều đại biểu bức xúc và gây “ồn ào” dư luận, một câu hỏi đặt ra liệu đây có phải là bước lùi trong hoạt động lập pháp? Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng không nên đặt vấn đề “bước tiến” hay “bước lùi”, việc tranh luận một dự thảo mới là bình thường. Tuy nhiên, một kỳ họp mà có tới 2 dự luật, mới bước đầu đem ra thảo luận đã vấp phải phản ứng trái chiều của hơn nửa số đại biểu thì rõ ràng đó là điều đáng phải suy nghĩ.