Một nam sinh 16 tuổi đã lao đầu từ ban công xuống lúc 3h sáng khi người cha em vẫn đang thức cùng con để học. Cái chết của em quá ám ảnh và đêm hôm qua, có lẽ nhiều người mất ngủ. Sự ám ảnh có thể cả hôm nay và nhiều ngày sau nữa.

Trước nỗi đau quá lớn của một ai đó, nhiều khi, cách tốt nhất chỉ là im lặng ở bên cạnh hoặc yên lặng, để họ được ở một mình.

Nhưng có lẽ, không thể không nói khi bi kịch xảy ra không chỉ với người cha hôm qua. Trước đó một ngày, 31/3, một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh cũng treo cổ tự tử.

Đọc những bức thư tuyệt mệnh để lại, hẳn nhiều người giật mình, vì chúng quá già dặn. Và vì từng câu từng chữ đều cho thấy sự mệt mỏi, buồn chán, tuyệt vọng bủa vây trong tâm trí các em mà những người sống bên cạnh, người thân yêu nhất không hề hay biết. Cầu mong linh hồn các con siêu thoát.

Còn gia đình các em, chắc tột độ hoang mang. Quả thật, người viết còn không dám hình dung về nỗi đau, còn hơn cả sự thống khổ, của họ.

Tại sao và tại sao?

Không chỉ có họ mà nhiều bậc phụ huynh, chắc cũng sẽ hoang mang tự hỏi chính mình, đã đối xử với con đúng đắn hay chưa, đã đủ yêu thương bao dung chúng hay chưa dù tình yêu với con cái luôn thường trực.

Thế nên, nào ai dám chắc mình đủ tư cách để phán xét, trách móc lỗi lầm của những người làm cha, làm mẹ đó sau sự ra đi của các em.

Tuổi dậy thì thật khó khăn, một tác động không hẳn là ghê gớm trong cuộc sống cũng có thể làm bùng lên phản ứng dữ đội nếu các em không cân bằng được cảm xúc. Hay những ấm ức cứ tích tụ, không giải thích, chia sẻ hẳn sẽ trở thành vấn đề lớn khi cuộc sống của các em chưa có những trải nghiệm rộng hơn ngoài môi trường gia đình, trường học, chưa có những va vấp nhiều hơn để thấy chuyện của mình là nhỏ.

Cái chết của cậu bé 16 tuổi gây sốc cho cả xã hội. Nỗi đau xót này, dù không muốn, vẫn phải đề cập khi các vụ tự tử của học sinh dường như cứ nhiều lên. Liền trước đó là vụ nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh. Và cách đây không lâu, là chuyện một nam sinh lớp 6 ở Hà Nội cũng nhảy lầu tự tử hay một sinh viên 19 tuổi đeo 10kg đá nhảy sông Sài gòn tự vẫn… Cuộc sống, hẳn phải nặng nề thế nào mới khiến các em quyết định tự giải thoát cho mình như vậy.

Dịch bệnh, những áp lực của đời sống xã hội, sự nhiễu loạn của cơn thác thông tin hơn lúc nào hết, khiến con người quá dễ tổn thương. UNICEF đã cảnh báo, dịch Covid-19 có những tác động nặng nề đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên thời điểm hiện tại và trong nhiều năm tới. Theo khảo sát Tình hình thế giới năm 2021 thì trung bình cứ 5 người trong độ tuổi từ 15 đến 24 được hỏi thì có 1 người cho biết họ cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì.

Thực tế, trạng thái tinh thần sẽ khó cân bằng hơn khi cả một thời gian dài học sinh các cấp phải học online, ít có sự giao tiếp. Không chỉ có mỗi việc học, hầu như mọi hoạt động giải trí cũng qua mạng internet. Mà ở đó các em thấy gì? Đầy rẫy những chuyện tiêu cực, đầy rẫy những thông tin trái chiều, đầy rẫy những hình ảnh về cuộc sống ở những nơi nào đó khiến chúng liên tục phải so sánh mà nhiều khi không định vị được đúng-sai, hay-dở, hữu ích hay không cần thiết phải quan tâm…

Kết nối xã hội, giá trị bản thân, tình yêu thương, niềm tin vào những điều ý nghĩa - khi những thứ đó nhạt nhòa - thì chỉ một tác động không lớn nhưng cũng đủ mạnh khiến con người gục ngã, nữa là các em vẫn còn non nớt đường đời.

Trầm cảm gia tăng trong đại dịch là sự thật. Tuy nhiên, một chuyên gia tâm lý chia sẻ rằng không nên coi những người tự tử chỉ là bệnh nhân trầm cảm vì giải pháp sẽ chỉ dồn vào việc chữa bệnh. Cũng không nên né tránh coi tự tử như một chủ đề nhạy cảm và cấm kỵ. Mọi người cần coi những khó khăn về tinh thần cũng như những vết thương, bệnh tật trên thân thể, cần được trị liệu để khỏi bệnh và cần được trợ giúp, nâng đỡ để vượt qua. Chỉ có điều, trong thực tế, sự yếu đuối về tinh thần thường dễ bị phán xét, vì vậy, người bị phán xét có tâm lý che giấu nỗi đau kỹ hơn và từ chối tìm đến sự giúp đỡ.

Nói vậy để thấy rằng, dù có cố gắng biện minh, sâu thẳm trong suy nghĩ, trong tình cảm chúng ta đều biết và hiểu rằng, người lớn không vô can. Cha mẹ mong đợi, kỳ vọng quá nhiều ở con cũng có thể biến yêu thương thành áp lực. Trong cuộc sống thường ngày, cha mẹ cũng không mấy để tâm khi con cái ít chia sẻ, hoặc dù im lặng không chia sẻ nhưng những tín hiệu cầu cứu chúng phát đi như sự mệt mỏi, chán nản, tâm trạng bế tắc coi mình vô giá trị …người lớn cũng ít quan tâm tìm hiểu, động viên. Thêm nữa, những kỹ năng sinh tồn, vượt lên nghịch cảnh, thích nghi với hoàn cảnh, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và nhiều kỹ năng khác, gia đình, nhà trường liệu đã quan tâm giáo dục, hay chỉ coi là những điều phụ so với chuyện nhồi kiến thức?

Khi viết những dòng này, đặt câu hỏi này, người viết cũng đang tự hỏi chính bản thân mình. Bởi thực sự thì tôi không muốn, câu chuyện buồn của nam sinh 16 tuổi trở thành kinh nghiệm cay đắng khiến các bậc cha mẹ lại có tâm lý đối xử với con theo kiểu gượng nhẹ. Cuộc sống không thể cứ tự bằng lòng với bản thân mà không có nỗ lực vươn lên? Đâu là cách đúng để dạy dỗ con? Đâu là điều quan trọng với con cái mà cha mẹ phải tuyệt đối coi trọng?

“Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất” – Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã có câu thơ như thế. Và nó cứ văng vẳng trong đầu tôi khi ý thức được sự mong manh trong trạng thái tâm lý của con trẻ. Cha mẹ quan tâm không đúng cách có thể làm phiền con trẻ nhưng ngược lại, nếu không quan tâm kịp thời, có thể, chúng sẽ buông tay, rời xa chúng ta.

Làm cha mẹ chưa bao giờ khó thế và chuyện chẳng của riêng một gia đình nào. Nỗi đau chỉ thức tỉnh mọi người cùng nhìn nhận lại về cách giáo dục, sự động viên, chia sẻ đúng lúc để giúp trẻ biết thích ứng với một xã hội nhiều biến động mà thôi.