Suốt một quãng dài đã qua, nhiều người trong chúng ta thực sự đã sống một cuộc sống khác, rất khác. Các nghệ sĩ cũng vậy.

Trang phục biểu diễn, không váy áo lộng lẫy, không trang điểm cầu kỳ, thay vào đó là những bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, khẩu trang kín mít… hình ảnh của nhiều nghệ sĩ mùa dịch đã và đang làm lay động trái tim biết bao người.

Hôm trước, người nghệ sĩ với cây kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn “một mình một sân khấu” vỗ về người nghe bằng những giai điệu du dương như ngọn gió mát lành, dịu nhẹ, thì hôm sau, rồi hôm sau nữa, những Cẩm Vân, Phương Thanh, Tóc Tiên… truyền lửa tới mọi người bằng thứ âm nhạc ngùn ngụt sức sống cùng một tinh thần cống hiến hết mình, đầy nhiệt huyết.

Có lạ không? Khi “sân khấu” trình diễn của các nghệ sĩ không phải chốn đèn hoa lộng lẫy mà lại giữa khoảng không mênh mông nơi sân bệnh viện dã chiến, nơi bãi cỏ hoang trong khu cách ly.

Lạ không? Khi hàng ghế người xem lại là những ô cửa sổ, những hành lang các khu phòng. Và khán giả chính là hàng nghìn F0 đang điều trị ở đó cùng với rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế.

Chắc có lẽ phải rất lâu sau này, nhiều người vẫn sẽ còn xúc động với hình ảnh những ô cửa sáng đèn trắng đêm nghe hát, ấm lòng với những tiếng hò reo, cổ vũ, tất cả cùng hòa nhịp lời ca, hòa chung trái tim âm nhạc. Ở vào thời khắc đó, những gánh nặng tinh thần như được vơi đi, bao nỗi niềm tạm lắng…

Còn nhớ đợt dịch năm ngoái, tại châu Âu cũng đã từng có một “sân khấu” đặc biệt như thế diễn ra trên các cửa sổ, ban công các tòa nhà nước Ý... Người ta hát, chơi nhạc, giao lưu cùng nhau, tạo thành một “quảng trường âm nhạc trên không” cực kỳ ấn tượng. Ấy là cách người Ý động viên nhau, tựa vào nhau để cùng vượt qua khó khăn và cả… nỗi sợ. Thật kỳ diệu khi âm nhạc đã có thể xoa dịu những trái tim tổn thương trong mùa dịch.

Sự cùng nhau - đó thực sự là điều đáng quý, giống như những “liều thuốc tâm hồn”.

Người ta gọi đó là “âm nhạc của trái tim”.