7 năm trước, tôi cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong một ngày, từ sốt ruột, ngóng đợi, hy vọng đến thất vọng và tuyệt vọng. Có lẽ đó là những cảm xúc mà khá nhiều bố mẹ đang trải qua khi có con thi vào lớp 10 của Hà Nội.

7 năm trước, thi vào lớp 10 Hà Nội cũng đã rất nóng nhưng có lẽ còn không nóng bằng bây giờ.

Tôi lúc đó là một bà mẹ có con đầu học lớp 9, với suy nghĩ ngây thơ là cái trường THPT ở khá gần nhà sinh ra là để phục vụ cho nhu cầu học tập của những đứa trẻ bước sang tuổi 16 ở xung quanh khu vực đó.

Chuỗi ngày ôn tập cả trên lớp cả các lớp học thêm đã kéo dài cả năm trước đó. Tôi một người mẹ ngây thơ tự tin vào sự lựa chọn cho con mình.

Nhưng rồi suy nghĩ của tôi từ đương nhiên con sẽ vào 1 trường cấp 3 công lập chuyển sang trạng thái hồi hộp, hy vọng, lo lắng, để rồi cuối cùng là thất vọng và suy sụp. Con đã trượt cả hai nguyện vọng vì hai trường chỉ chênh nhau có 1 điểm.

Tôi đã không chuẩn bị tâm lý cho một cái kết như thế và tôi cũng không chuẩn bị cả tâm lý cho con mình. Đáng ra, tôi đã phải hiểu con mới là người đau khổ nhất và cần được an ủi nhất lúc đó.

Lẽ ra tôi phải biết trường THPT của Hà Nội chỉ đáp ứng được 62% số trẻ em lứa tuổi 16. Lẽ ra tôi phải biết sau cả hai chục năm, số trường THPT nơi mình sinh sống chẳng tăng lên trong khi dân số tăng gấp chục lần. Cũng giống như tôi, đa phần phụ huynh sẽ không dễ dàng có đủ tiền cho con đi học trường tư khi mức học phí thấp nhất cũng từ 3 triệu rưỡi.

Thế nên kỳ thi vào lớp 10 đã nóng và cũng vẫn sẽ tiếp tục nóng hết năm này qua năm khác.

Và có lẽ tôi đã cho con đi học ở 1 trung tâm GDTX hoặc đi học nghề nếu xã hội không có cái nhìn méo mó, định kiến về hướng đi nghề nghiệp như lâu nay. Ngoài định kiến xã hội, trong đó có bản thân tôi góp phần thì còn những bất cập trong việc phân luồng sau THCS thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng mà nhiều năm rồi vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Còn một lý do nữa khiến áp lực thêm nặng đó là đến tận bây giờ, với góc nhìn hạn hẹp của một người mẹ, tôi luôn hồ nghi khả năng đánh giá một đứa trẻ thông qua các kỳ thi, trong đó có cả Kỳ thi vào lớp 10.

May mắn là sau đó, con tôi đã được nhận vào học ở một trường tư thục mới mở với mức học phí khá thấp và ở đó, con đã được học những giá trị mà tôi cho rằng quý hơn nhiều điểm số. Đó là tôn trọng giá trị cá nhân mình và cả những người xung quanh, sự trung thực và lòng tự trọng.

Con được dạy thất bại trong 1 kỳ thi không có nghĩa con là đồ bỏ đi, là vô giá trị. Họ đã làm tốt hơn tôi phần việc an ủi, giúp đỡ con vượt qua thất bại và biết đứng dậy sau thất bại.

Khi đã có giá trị, có sự tự ý thức về bản thân thì dù vẫn phải đi học thêm và tự nỗ lực để ôn thi đại học (các cha mẹ cũng đừng kỳ vọng có một trường học nào giúp con ôn thi thật tốt nếu con không tự nỗ lực), con đã đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi THPT quốc gia sau đó.

Trên 100 nghìn con thi vào lớp 10 Hà Nội thì đang có xấp xỉ 26 nghìn con từ tối qua đến giờ đang rơi vào trạng thái thất vọng thậm chí là tuyệt vọng. Chúng không đáng phải nhận những áp lực học hành suốt cả tuổi thơ, giờ lại chịu nỗi tổn thương vì thất bại trong một kỳ thi mà độ nóng bị đẩy lên tới mức vô lý.

Từ một người trong cuộc và chứng kiến những bộ mặt thất thần của nhiều bạn bè đồng nghiệp những ngày này, chỉ xin các cha mẹ hãy bớt quan tâm đến cảm xúc của mình, sự tổn thương của mình mà hãy quan tâm đến cảm xúc và sự tổn thương của con. Cảm xúc của cha mẹ lúc này chính là nỗi đau với những đứa trẻ mới ở lứa tuổi 15.

Nếu có thể, các bố mẹ hãy cho con một chỗ tựa bằng niềm tin rằng ngày mai trời lại sáng!