“Khuyến khích nông dân Hàn “quá lứa” kết hôn với nữ du học sinh Việt Nam” câu chuyện của thành phố Mungyeong (Hàn Quốc) đã và đang khiến dư luận dậy sóng những ngày qua.

Thực ra chuyện lấy vợ, chồng ngoại quốc hay chuyện những “cô dâu Việt” trên đất Hàn không hiếm, nếu không muốn nói là khá phổ biến. Nhưng để ra hẳn thành một văn bản, quá hơn, thành hẳn một chiến dịch như cách mà chính quyền Mungyeong đang làm thì chưa có tiền lệ. Một chiến dịch mà ngay cả giới chuyên gia cũng nhận định rằng mang tính phân biệt và kỳ thị, không chỉ với một đất nước cụ thể, một cá nhân cụ thể, mà còn với tất cả phụ nữ di trú và đặc biệt với những nữ du học sinh tại Hàn Quốc, những người được xem là có tri thức, hiểu biết và tự chủ đối với cuộc sống của mình.

Xã hội hiện nay “có cầu ắt có cung”. Chẳng phải đã có rất nhiều tổ chức, trung tâm môi giới hôn nhân gia đình được ra đời để phục vụ cho những “mối lương duyên” như vậy đó sao? Mỗi quốc gia có một vấn đề dân số khác nhau và thực tế là không ít nước cũng đã có những chính sách khuyến khích người nước ngoài lấy phụ nữ nước mình hoặc ngược lại. Thế nhưng, khuyến khích gì thì cũng phải lấy quyền con người làm trọng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.

Trở lại câu chuyện khuyến khích nông dân Hàn ế vợ kết hôn với du học sinh Việt Nam, có lẽ bất cứ ai cũng đều cảm thấy không khỏi chạnh lòng, thậm chí cả tức giận. Chẳng lẽ phụ nữ Việt bị coi rẻ đến vậy sao? Hay cậy “lớn bắt nạt bé”, tự cho mình ở “cửa trên”, có quyền coi thường người khác?

Đúng là đã có không ít trường hợp vì muốn đổi đời mà nhiều cô dâu Việt sẵn sàng bằng mọi giá lấy chồng Hàn để rồi chịu nhiều thua thiệt. Nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt và điều đó không có nghĩa phụ nữ Việt Nam đến Hàn Quốc là chỉ để muốn lấy chồng Hàn.

Phụ nữ cũng như bất kỳ ai - có quyền được mưu cầu hạnh phúc. Và hôn nhân là sự lựa chọn của các cặp đôi, kể cả khi họ bất đồng về ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, lối sống, cũng như nó dựa trên sự bình đẳng, tôn trọng.

Do vậy, sẽ là sai lầm và cả sai trái nữa nếu như chính quyền một địa phương nào, một quốc gia nào lại có tư tưởng “coi nhẹ” phụ nữ nhập cư qua con đường hôn nhân. Chỉ khi nào phụ nữ được xem như là một thành viên của xã hội thay vì giới hạn trong phạm vi gia đình, được hỗ trợ và tôn trọng cá nhân – thì khi đó, quyền bình đẳng của phụ nữ mới được tính là được thực hiện.

Chính sách không thể thay thái độ của con người. Trong thế giới phẳng, giao lưu mở cửa hiện nay, cho dù bất cứ ở đâu, bất cứ quốc gia nào cũng cần phải tôn trọng các nền văn hóa khác nhau, các cá nhân khác nhau trong cùng cộng đồng.