Năm ngoái, không ít lần tôi có mặt trong ngày công bố khỏi Covid-19 của các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW. Có người thoải mái trò chuyện, chia sẻ về những ngày điều trị, về nỗi sợ hãi lúc mới biết mình mắc Covid-19 nhưng cũng có người lại muốn né tránh mọi tiếp xúc. Tôi đọc được trong mắt họ sự sợ hãi, e ngại khi thấy ống kính máy ảnh, máy quay hay micro bắt đầu hướng về phía mình.

Tôi nhớ mãi một bệnh nhân khá “đặc biệt”. Nhưng, sự “đặc biệt” của ông phần nhiều là do báo chí, do mạng xã hội và dư luận tạo nên.

Ngày xuất viện hôm đó ông không ra cùng một lúc với những bệnh nhân được bệnh viện công bố, dù có tên trong danh sách. Trước đó, ngay khi được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2, toàn bộ lịch trình di chuyển, tiếp xúc, thậm chí cả những chuyện đời tư của ông đã được phơi đầy trên các phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội. Hơn thế nữa, còn có không ít những lời bình luận khiếm nhã, với những suy đoán, nghi ngờ, phán xét không căn cứ…

Tôi cũng biết, có những bệnh nhân Covid-19 sút gần 5kg nhưng không phải vì nhiễm SARS-CoV-2 mà vì bị sốc khi toàn bộ thông tin của mình và gia đình lại trở thành chuyện… cho nhiều người “tám”. Miệng lưỡi thế gian khiến trong những ngày nằm viện chị không dám dùng mạng xã hội vì sợ hãi.

Sự sợ hãi đã để lại những tổn thương sâu sắc với bệnh nhân và gia đình họ...

Việc công bố danh tính của bệnh nhân không đi ngược với những quy định của luật pháp – nhất là khi việc giấu kín các thông tin như tên, tuổi, lịch trình di chuyển…của bệnh nhân có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội, mà Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm mới nổi và vô cùng nguy hiểm.

Phương thức này trong hơn 1 năm - kể từ khi Covid-19 xuất hiện ở nước ta - đã góp phần quan trọng trong việc truy vết, phát hiện sớm các ca nghi ngờ để khoanh vùng, phòng tránh virus lan rộng ra cộng đồng. Đặc biệt, cũng giúp nhiều người nhận biết những địa điểm có nguy cơ cao nhiễm bệnh để có ý thức tự bảo vệ mình.

Nhưng tới thời điểm này, khi chúng ta đã hiểu hơn về đặc điểm dịch tễ của virus SARS-CoV-2, khi chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch thì những bất cập của phương thức truyền thông truy vết này cần phải được thay đổi.

Và rất mừng là nó đã được thay đổi.

Từ nay, sẽ chỉ còn công bố, khuyến cáo về các điểm đến có nguy cơ về dịch tễ, nơi người dương tính với COVID-19 đã từng có mặt, để những người từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó thực hiện ngay các biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh theo huớng dẫn của cơ quan y tế. Đây cũng là cách chống dịch mà một số nước trên thế giới đang áp dụng.

Thiết nghĩ, khi quyền riêng tư của người bệnh được tôn trọng, sự tổn thương nếu chẳng may mắc Covid-19, cũng giảm đi rất nhiều! Thêm nữa, khi không còn nỗi sợ hãi thông tin cá nhân bị phơi bày thì ý thức tự giác khai báo với cơ quan chức năng để góp phần chống dịch Covid-19 chắc sẽ được nâng cao. Và rất nhiều người, trong đó có tôi, mừng vì quyết định này của Bộ Y tế.