Tôn trọng pháp luật là yêu cầu bắt buộc đối với công dân của một xã hội văn minh. Vậy mà, liền trong 3 ngày, người dân 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn của huyện Sóc Sơn đã tập trung ngăn chặn xe rác vào khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn khiến rác ùn ứ khắp khu vực nội thành Hà Nội. Điều đáng nói, đây là lần thứ 2 trong năm nay và là lần thứ 15 người dân chặn xe không cho đổ rác trong suốt hơn 10 năm Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn đi vào hoạt động. Họ có biết việc làm của mình là sai? Trả lời báo giới, một người dân xã Hồng Kỳ nói rằng “Chúng tôi phải chặn xe vào bãi rác Nam Sơn để lãnh đạo thành phố Hà Nội, lãnh đạo Nhà nước quan tâm giải quyết. Dẫu biết là không đúng quy định pháp luật nhưng nếu không làm thì chắc không được quan tâm”…

Chống đối để được giải quyết - âu cũng là cách bần cùng khi quá bức xúc mà không biết kêu ai cầu cứu. Gọi là khu liên hiệp xử lý chất thải nhưng việc xử lý lại chủ yếu bằng cách chôn lấp. Với cách làm này, sau hơn 10 năm, các ô chôn lấp không những đã tiến sát các khu dân cư mà còn trở thành núi rác khi rác thải được đắp cao hàng chục mét vì thiếu chỗ chôn. Ô nhiễm không khí, nguồn nước, ánh sáng...với ruồi nhặng và mùi xú uế, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe - gây ức chế là điều không khó để hình dung. Và cái sự khổ ấy, qua nhiều năm, thêm khổ, nhưng dù kêu gào, vẫn chưa được giải quyết. Đã thế, như thêm trêu người khi xe chở rác ùn ùn kéo đến mỗi ngày mà không thèm có bạt che, không ép trước khi đổ khiến nước rác rỉ ra gây hôi thối quá mức chịu đựng.

Cũng giống như nhiều lần, lần này, việc chặn xe không cho vào bãi rác Nam Sơn ít nhiều có tác dụng. Chính quyền địa phương đã đối thoại với người dân. Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đã ra thông báo và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng đã chỉ đạo cụ thể để giải quyết các vấn đề trước mắt của Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Đã 15 lần người dân chặn xe rác, đã qua 3 đời lãnh đạo thành phố HN tiếp nhận, xử lý thông tin, vấn đề của bãi rác Nam Sơn vẫn chưa được giải quyết. Vì sao quy định đảm bảo vành đai xanh ngăn cách tối thiểu 500m cho người dân sống gần khu vực bãi rác không thực hiện được? Vì sao áp dụng công nghệ xử lý rác thải lại khó đến thế? Và vì sao, phương án di dời, giải phóng mặt bằng cứ mãi ở vào ngõ cụt?

Có lẽ, không phải không có chút buồn trong ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khi yêu cầu các sở ngành, địa phương phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, tuyệt đối không để tình trạng chặn xe rác tái diễn: “Phải giải thích hành động đó ảnh hưởng lớn đến hình ảnh Thủ đô, vấn đề dân sinh của người dân Thủ đô. Tinh thần là tôn trọng pháp luật, đảm bảo tính nhất quán, công bằng, công khai minh bạch, không để trục lợi chính sách…”

Không phải không có chút buồn trong lời phát biểu của người dân: “Cũng đã nhiều lần, có các lãnh đạo thành phố Hà Nội về đây đối thoại, rồi hứa hẹn cũng nhiều mà chưa giải quyết được. Chỉ mong lần này, chúng tôi được đền bù di dời, được thấy các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội hành động chứ không hứa suông. Được như vậy, không bao giờ chúng tôi chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn nữa”.

Ý chí của người lãnh đạo và mong muốn của người dân chỉ gặp nhau khi hợp lý, hài hòa về lợi ích và trên cơ sở tôn trọng các quy định. Đó không chỉ là những quy định của pháp luật, bắt buộc phải thực hiện mà đó còn là trách nhiệm. Đối với người lãnh đạo, đã hứa phải thực hiện, đối với người dân, là ý thức, sự chung tay cùng giải quyết khó khăn chứ không chỉ nghĩ đến quyền lợi, sự thiệt thòi của riêng mình.

Hành động chứ không hứa suông - Mở đầu một một nhiệm kỳ mới với tinh thần đổi mới - người dân có thể hy vọng lãnh đạo thành phố Hà Nội có những quyết sách hiệu quả cho vấn đề cần được xem là trọng yếu của Thủ đô?