Mới đây, một chiếc xe buýt đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi thì bất ngờ bị một chiếc xe tự chế chở nhiều thanh sắt dài (đi từ phố Vũ Trọng Phụng ra) lao vào. Cú va chạm khiến hàng chục thanh sắt dài khoảng 10m xuyên qua kính chắn gió. May mắn vụ việc không gây ra thiệt hại về người nhưng hành khách trên xe buýt đã vô cùng hoảng sợ.

Sự cố này khiến nhiều người nhớ tới tai nạn thương tâm xảy ra ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cách đây mấy năm. Một cháu nhỏ mới 9 tuổi đi xe đạp trên đường đã va vào tấm tôn trên chiếc xích lô đang đỗ bên đường. Hậu quả là cháu bé tử vong do bị tấm tôn cứa vào cổ. Chỉ vài ngày sau, tại quận Hà Đông, Hà Nội, một phụ nữ cũng tử vong tại bệnh viện với cùng một nguyên nhân là bị cứa đứt vùng cổ sau khi va chạm với một chiếc xe bò chở tôn.

Những vụ tai nạn liên quan đến hành vi chở hàng cồng kềnh, không che chắn khiến người dân vừa phẫn nộ vừa hoang mang. Phẫn nộ bởi hành vi ấy dẫn đến cái chết đau lòng và tức tưởi của những người vô tội. Hoang mang vì trên các tuyến phố ở các thành phố, đô thị, không khó để bắt gặp những chiếc xe mô tô, xe gắn máy, xe tự chế… chở hàng cồng kềnh như sắt, tôn, thép, cửa cổng sắt, bàn ghế, tủ… thản nhiên lưu thông trên đường, kể cả trong giờ cao điểm.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định rõ, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện); các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, nếu chở hàng cồng kềnh sẽ bị xử phạt với mức tiền từ 400.000 đồng- 600.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông vì chở hàng cồng kềnh, còn bị tước Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng. Thế nhưng thực tế, những người chở hàng cồng kềnh vẫn ngang nhiên đi khắp nơi, từ ngõ nhỏ đến phố lớn.

Điều đáng nói là, không ít trường hợp, việc chở hàng hóa theo kích thước lớn, thậm chí quá mức cho phép đã khiến khả năng quan sát đường của lái xe chở hàng và những người tham gia giao thông khác bị hạn chế. Hàng hóa quá nặng, quá cồng kềnh khiến người điều khiển phương tiện chở hàng rất dễ bị mất lái, khó có thể xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trên đường, dẫn đến tai nạn cho chính bản thân họ và những người đi đường khác.

Vậy mà nhiều tài xế còn phóng nhanh, phanh gấp, đi ngược chiều, bất chấp những nguy cơ tai nạn tiềm ẩn, trở thành nỗi bất an của nhiều người khi tham gia giao thông trên đường phố. Vụ tai nạn mới xảy ra trên đường Nguyễn Trãi là ví dụ, khi mà tài xế xe tự chế không chỉ bị thương mà còn suýt chút nữa gây thương vong cho tài xế xe buýt. Nếu tài xế xe buýt không nhanh trí nhảy khỏi cabin thì liệu có thể an toàn trước cú đâm của những thanh sắt kia?

Những mối nguy hiểm, bất an cứ tiếp diễn và diễn ra bất thình lình như thế khiến nhiều người tham gia giao thông, khi thấy những chiếc xe “hung thần” này, chỉ còn biết “bo bo giữ mình” bằng cách tự động tránh càng xa càng tốt.

Nhưng tình trạng bức xúc cứ lặp đi lặp lại này cũng khiến dư luận phải đặt câu hỏi: lực lượng chức năng ở đâu? Đã nghiêm khắc xử lý những trường hợp xe chở hàng cồng kềnh hay những loại xe tự chế chưa? Hay lâu lâu, theo kỳ cuộc, có chuyên đề, cảnh sát giao thông mới quyết liệt ra quân; hết chuyên đề, lại bỏ mặc? Chẳng nói đâu xa, chính người viết bài đã từng chứng kiến cảnh sát giao thông trên đường Nguyễn Trãi để mặc chiếc xe máy chở hàng cồng kềnh chạy qua trước mặt.

Biết rằng, những người chở hàng đa phần là lao động phổ thông, vì lẽ mưu sinh, tiền công chở nhiều khi chẳng đủ để nộp phạt, thậm chí trong họ còn có cả những người thuộc đối tượng chính sách. Về tình, có thể có chút cảm thông. Nhưng về lý, rõ ràng họ đã vi phạm luật giao thông, gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Vì vậy, khó có lý do nào để biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật, xem thường tính mạng, sức khỏe của bản thân và của những người tham gia giao thông khác.

Chính những người thuê chở hàng cồng kềnh cũng phải chịu trách khi chỉ vì tiết kiệm một chút ít tiền thuê phương tiện vận chuyển mà họ đã gián tiếp gây nguy hiểm cho người khác.

Bản thân mỗi người tham gia giao thông phải ý thức thực hiện đúng luật, nhưng trên hết, chính những người thực thi công việc điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông phải làm hết trách nhiệm, không bỏ sót và kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm, không có ngoại lệ. Có như vậy, mỗi ngày, người tham gia giao thông mới bớt nỗi lo về những cái bẫy nguy hiểm chực chờ./.