Câu nói nhiều nhất trong bộ phim “Squid Game” (Trò chơi con mực) của điện ảnh Hàn Quốc đó là: “Tôi có thể tin không?”. Khi 127 quốc gia ký vào cam kết chấm dứt chặt phá rừng vào năm 2030 tại Glasgow - Anh, nhằm mục đích giữ lại “thánh đường tự nhiên”, người ta đặt câu hỏi tương tự rằng, có thể tin được không?

Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực giữ nhiệt độ trái đất không nóng quá 1,5°C vào năm 2030, dẫu biết rằng là điều rất khó, nếu không muốn nói là nhiệm vụ “bất khả thi”. Cuộc đua này không phải như “trò chơi con mực” nhưng có một điều chắc chắn, nó tác động tới chuyện mất-còn, sự sinh tồn của loài người và vạn vật trên hành tinh.

127 quốc gia đã ký tuyên bố về rừng và sử dụng đất tại Hội nghị Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), cam kết xóa bỏ tình trạng mất rừng vào năm 2030 như một phần trong nỗ lực tập thể chống lại biến đổi khí hậu. Ký vào thỏa thuận này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã đưa ra cam kết vô cùng mạnh mẽ về việc cắt giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.

"Những hệ sinh thái đa dạng tuyệt vời - các thánh đường của tự nhiên chính là lá phổi của hành tinh chúng ta", Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định.

“Thánh đường” đó đã bị loài người xóa sổ hoặc làm suy thoái khoảng 2/3 diện tích rừng nhiệt đới nguyên thủy của thế giới (Phân tích của tổ chức phi lợi nhuận Rainforest Foundation Norway).

Chặt phá rừng lấy gỗ, chuyển đổi rừng làm đất nông nghiệp để chăn nuôi gia súc là nguyên nhân khiến những cánh rừng bị co hẹp lại. Khi bàn đến việc giữ rừng, thực ra con người đang bàn đến lối sống “thuần tự nhiên”. Bởi “thịt bò, đậu nành, dầu cọ và ca cao là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng” (trích trong Tuyên bố chính thức được đưa ra tại Glasgow). Nhu cầu canh tác, phá rừng và các thay đổi sử dụng đất khác chiếm khoảng 1/4 lượng khí thải làm nóng hành tinh.

Dù là một cuộc đấu như “trò chơi con mực” nhưng ở đây lại không có hai màu áo xanh và đỏ. Bởi chúng ta đều là màu xanh - tức người chơi và cũng đóng vai là người giám sát chính cam kết của chúng ta.

Mỗi cây, mỗi mét rừng được ví như một “quỹ tín dụng Carbon”. Một cây cao 30m, trưởng thành có thể hấp thụ khoảng 22,7 kg khí CO2 trong một năm, tương đương gần với lượng thải ra trung bình của một xe hơi sử dụng cho quãng đường 41,5 km. Nếu thực hiện mục tiêu “Một tỷ cây xanh” nghĩa là sẽ có 22,7 triệu tấn khí CO2 được hấp thụ mỗi năm.

Thách thức của chúng ta không chỉ là giữ rừng mà còn là trồng cây. Những cam kết chính trị có thể vĩ mô và xa vời nhưng câu nói của Bác Hồ lại thật gần gũi: “Mùa xuân là Tết trồng cây”, vừa mang ý nghĩa gieo một điều lành vừa chuyển tải một thông điệp thiết thực: hãy trồng cây. Giá trị của những khu rừng khỏe mạnh vượt xa việc giải quyết vấn đề về carbon. Chúng lọc nước, làm sạch không khí và thậm chí, tạo mưa nhằm hỗ trợ nông nghiệp. Những khu rừng cũng có ý nghĩa nền tảng để duy trì đa dạng sinh học.

Trong những năm qua, nước ta đã có nhiều phong trào với sự tham gia của nhiều tập thể và cá nhân trồng cây để gây rừng. Những phong trào có thể kể đến như: “Một tỷ cây xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động và thực hiện trong 5 năm 2021-2025. Hay như sự kiện ca sĩ Hà Anh Tuấn và Công ty trồng 1.800 cây tại Lâm Đồng và Đà Nẵng trong khuôn khổ dự án “Rừng Việt Nam” vào tháng 8 và tháng 10 năm ngoái. “Cam kết” trồng rừng được ca sĩ Hà Anh Tuấn đưa ra trong live show “Truyện ngắn” năm 2019.

“Liệu có tin được không?” - Sẽ có câu trả lời, nếu như ai cũng có một niềm tin và ý niệm: gieo một hạt mầm, ta có một cây xanh và khi có hàng triệu triệu cây xanh được trồng, chúng ta sẽ có cả một “thánh đường tự nhiên” để sống.