Quả thực, năm 2020 sắp qua đi là một năm đầy thách thức khi mà Việt Nam phải hứng chịu thảm họa kép: Đại dịch covid -19 và thiên tai bất thường, cực đoan nhất lịch sử ở cả 3 miền.

Đại dịch covid-19 đánh vào yếu huyệt của con người là môi trường sống và sức khỏe. Nếu vẫn khai thác tự nhiên vô độ, săn bắt động vật hoang dã phục vụ khoái khẩu của con người, thì không chỉ là SARS-CoV-2 mà loài người còn phải đối diện với nhiều thảm họa hơn nữa. Dịch Covid-19 cũng đã làm thay đổi cả thế giới, trong nhận thức và hành xử, sống chậm hơn, biết trân trọng môi trường sống, từ nhánh cây, ngọn cỏ đến những sinh vật nhỏ bé.

Cùng với Covid-19, một thảm họa xảy ra trong thời gian ngắn hơn nhưng dữ dội và sức sát thương không kém đó là thiên tai bất thường. Ngay từ đầu năm, mưa đá, dông lốc đã trút xuống dữ dội ở nhiều tỉnh thành miền Bắc. Ở miền Nam, ngập mặn xâm nhập sâu, kéo dài vượt cả năm hạn mặn được coi là kỷ lục -2016. Bài ca thiếu nước ngọt lại nặng trĩu trên đôi vai người dân Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Trong khi đó, hiện tượng La Nina đã khiến khúc ruột miền Trung hứng chịu chuỗi đa thiên tai liên tiếp và dồn dập. Trong vòng 42 ngày, khu vực này đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi 6 cơn bão và 1 cơn áp thấp nhiệt đới. Trong đó, bão số 9 là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Thiên tai cùng với nhân tai, mà việc vận hành và xây dựng thủy điện nhỏ tràn lan ồ ạt được cho là một trong những nguyên nhân gây ra những trận đại hồng thủy và sạt lở đất kinh hoàng tại Miền Trung khiến 249 người chết, hàng chục nghìn người bị ảnh hưởng, thiệt hại kinh tế là hơn 30 nghìn tỷ đồng, ước tính hơn 1,31 tỷ USD.

Còn ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM ô nhiễm không khí vẫn ở mức “báo động đỏ”. Đặc biệt ở Hà Nội đầu tháng 11, tháng 12 xuất hiện những đợt ô nhiễm đỉnh điểm.

Bên cạnh những thảm họa về môi trường thì một dấu ấn quan trọng, được cho là bước tiến lớn, một cuộc cách mạng trong tư duy quản lý môi trường của nước ta, đó là việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Luật được thông qua dù không ít chuyên gia môi trường đánh giá “là bước lùi so với luật cũ - năm 2014” khi mà nhiều tranh cãi trong đó có nội dung đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của doanh nghiệp đã đưa ra khỏi Luật sửa đổi lần này. Còn với quan điểm “nhà nước không đi làm thay doanh nghiệp, ai làm người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, người đứng đầu Bộ Tài nguyên & Môi trường khẳng định, doanh nghiệp có muốn che giấu cũng không được: “Việc này sẽ công khai cho xã hội biết hết, không có gì úp mở cả”.

Vậy có chấm dứt được việc doanh nghiệp xem môi trường là thứ yếu, soạn ĐTM qua loa, rồi đi đêm với chính quyền cho êm chuyện? Câu hỏi này vẫn chờ một động thái quyết liệt của tư lệnh ngành, bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng như sự quyết liệt khi ông khẳng định: “Muốn thay đổi phải đổi mới, và trong đổi mới có những vấn đề có tính cách mạng. Chúng ta không có con đường nào khác là phải thay đổi, thay đổi để phát triển bền vững” .

Sự đổi mới, cuộc cách mạng về môi trường sẽ có kết quả như thế nào đều mang dấu ấn của người đứng đầu ngành. Hy vọng một tín hiệu lạc quan, bắt đầu từ bước tiến chứ không phải bước lùi của Luật bảo vệ môi trường sửa đổi như lời hứa của ông trước nghị trường Quốc hội.