Đại dịch COVID-19 như cơn lũ tràn qua cuộc sống của tất cả chúng ta. Những ổ dịch âm ỉ đôi khi lại bùng lên những lo lắng trong cộng đồng. Nhiều nơi, ngành y tế vẫn đang căng mình với mong muốn sớm kiểm soát được dịch bệnh, tránh để COVID-19 lây lan ra cộng đồng. Rất nhiều thầy thuốc đang “cắm chốt” tại các điểm nóng của dịch, không được đón Tết cùng gia đình và người thân, không được trọn vẹn niềm vui trong ngày “đặc biệt” của mình và của nghề. Họ âm thầm, lặng lẽ hy sinh lợi ích cá nhân, ở lại tuyến đầu chống dịch.

Dù tấm áo choàng blouse luôn ướt đẫm mồ hôi trong những đêm trắng cùng người bệnh giành giật sự sống. Dù có những giọt nước mắt lăn dài trên má khi nhớ con, nhớ gia đình, hay những day dứt khi chưa làm tròn bổn phận của người con, người vợ, người chồng, người cha, người mẹ…nhưng dù thế nào đi nữa, những “chiến binh áo trắng” chưa khi nào nhụt chí trước cuộc chiến cam go với dịch bệnh.

Nghề y là nghề đặc biệt vì nó liên quan đến sự an nguy, tính mạng và sức khoẻ của mọi người. Khi đã chọn nghề y, có nghĩa là phải hy sinh lợi ích cá nhân của mình để mang lại niềm vui, sức khoẻ cho người bệnh, tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chǎm sóc người bệnh, coi nỗi đau đớn của người bệnh như đau đớn của chính mình. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Lương y phải như từ mẫu".

Làm nghề đòi hỏi phải yêu nghề, đam mê với công việc. Để trở thành một thầy thuốc giỏi, đòi hỏi phải không ngừng học tập để bổ sung kiến thức, thường xuyên rèn luyện để nâng cao kỹ năng tay nghề và tu dưỡng y đức. Để có thể giỏi y thuật, thâm sâu về y lý thì bản thân mỗi người thầy thuốc phải luôn “chạy đua” với chính bản thân mình. Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân càng ngày càng được nâng lên, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng từ đó đòi hỏi cao hơn. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nhu cầu của người bệnh không chỉ dừng lại ở khám và điều trị mà họ còn muốn được chăm sóc tốt nhất có thể với mọi nguồn lực y tế thiết yếu và hiện đại cũng như những y bác sĩ giỏi nhất. Nhưng bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành y tế, sự phấn đấu của bản thân mỗi thầy thuốc, luôn cần có sự đồng cảm, ủng hộ, chia sẻ, động viên khích lệ của người dân, của cộng đồng. Sự trân quý của xã hội dành cho các thầy thuốc chính là liều thuốc tinh thần để các y bác sĩ tiếp tục sự nghiệp cao cả “chữa bệnh, cứu người”.

“Con người là tổng thể các mối quan hệ”, người thầy thuốc cũng vậy, ngoài việc chăm lo sức khoẻ cho người bệnh, họ cũng phải lo toan, vun đắp cho cuộc sống gia đình, làm tròn bổn phận làm con, làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị.... Vì thế, để làm tốt công việc và hoàn thiện bản thân, mỗi người thầy thuốc đã phải nỗ lực rất nhiều để luôn là người chiến thắng trong những chặng đua đầy thử thách trước bệnh tật.