Tối 02/8, Quách Thị Lan bước vào tranh tài ở bán kết chạy 400m rào nữ, dưới cơn mưa như trút nước tại sân vận động Olympic tại thủ đô Tokyo. Cô đạt thành tích 56 giây 78, đứng thứ 6/8 VĐV thi đấu ở lượt chạy bán kết thứ nhất, và tất nhiên không thể đoạt vé vào chung kết, nơi dành cho 6 chân chạy xuất sắc nhất. Quách Thị Lan chính là VĐV cuối cùng của Đoàn TTVN tranh tài tại Olympic lần này và dù chúng ta có thể tự hào cô là VĐV gốc châu Á duy nhất vào tới bán kết nội dung này, thì thực tế vẫn phải thừa nhận khoảng cách về trình độ quá xa với tốp đầu.

Tất nhiên, không ai “lạc quan tếu” đến mức đặt kỳ vọng giành huy chương vào 1 VĐV điền kinh chỉ giành suất tham dự nhờ vé mời và việc Đoàn TTVN trắng tay tại Olympic Tokyo 2020 là điều được dự đoán trước đó vài ngày, sau thất bại của niềm hy vọng cuối cùng – đô cử Hoàng Thị Duyên ở hạng cân 59kg nữ.

“Vì tình hình dịch COVID-19 nên hầu hết VĐV của chúng ta chỉ tập dượt trong khu vực tập luyện mà không có thi đấu, không kiểm tra đánh giá về mặt chuyên môn. Vì thế dự báo tại Olympic lần này, thành tích của Đoàn TTVN có thể diễn ra theo chiều hướng không được cao như các Thế vận hội trước…”.

Đó là dự báo của ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tham dự Olympic Tokyo 2020 trước ngày Thế vận hội chính thức khởi tranh. Đáng tiếc, dự báo đó lại hoàn toàn chính xác. Kỳ vọng giành huy chương lớn nhất được đặt vào 2 lực sĩ cử tạ, nhưng Thạch Kim Tuấn không được xếp hạng chung cuộc do không thành công trong cả 3 lần thực hiện động tác cử đẩy ở hạng 61kg nam, trong khi Hoàng Thị Duyên chỉ đứng 5/9 VĐV nhóm A tranh tài ở hạng 59kg nữ.

Một gương mặt khác cũng được nhắc tới trước ngày đoàn lên đường, là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, đương kim vô địch Olympic nội dung 10m súng ngắn hơi nam, nhưng giới chuyên môn có thể hiểu, khó chờ đợi một bất ngờ đến từ VĐV đã gần hai năm không tập luyện hay thi đấu và sang Nhật Bản bằng suất vé mời.

Đối thủ mạnh, đó là điều đương nhiên bởi Olympic là đỉnh cao nhất của thể thao thế giới, tại Olympic lần này, các tuyển thủ Việt Nam còn thi đấu dưới sức mình, nên việc họ không thể có huy chương là điều đương nhiên. Ở hạng cân 61kg của Thạch Kim Tuấn, nếu anh giữ được thành tích tổng cử 304kg từng mang về HCB SEA Games 2019, có lẽ đô cử này đã có huy chương vì người giành HCB là Irawan Eko Yuli (Indonesia) chỉ tổng cử 302kg còn HCĐ thuộc về Son Igor (Kazakhstan) với tổng cử 294kg.

Ở hạng 59kg nữ, Hoàng Thị Duyên chỉ đạt thành tích 208kg tổng cử, kém xa thành tích đạt được hồi tháng 4 vừa qua tại giải vô địch châu Á 2021 là 216kg, trong khi kỷ lục quốc gia của cô là 223kg. Ngày thi đấu hôm qua (27/7), Andoh Mikiko (Nhật Bản) giành HCĐ với 214kg còn Guryeva Polina (Turkmenistan) đoạt HCB với 217kg, đều thấp hơn so với kết quả tốt nhất mà Hoàng Thị Duyên từng đạt được.

Ngay cả gương mặt đạt chuẩn A môn bơi là Nguyễn Huy Hoàng, về nhì ở nhóm 2 vòng loại nhưng thành tích 7 phút 54,16 giây không đủ để kình ngư Việt Nam vào chung kết nội dung 800m tự do. Thành tích này còn kém chuẩn Olympic anh từng đạt là 7 phút 52 giây 74 và kỷ lục cá nhân khi vô địch Olympic trẻ 2018 tại Argentina (7 phút 50 giây 20 giây). Nội dung sở trường 1500m tự do, Huy Hoàng cũng chỉ về đích ở vị trí thứ 5 của vòng loại nhóm 3 với thành tích 15 phút 00 giây 24 giây, thua người về đích đầu tiên đến 11 giây 71. Thành tích này còn kém chuẩn Olympic mà Huy Hoàng thiết lập ở SEA Games 2019 là 14 phút 58 giây 14. Đồng đội của Huy Hoàng là Ánh Viên thì chia tay Olympic 2020 khi về cuối đợt bơi vòng loại cả 2 nội dung cô tham dự là 200m và 800m tự do nữ.

Điểm sáng hiếm hoi của Đoàn TTVN thuộc về Nguyễn Văn Đương - võ sĩ quyền Anh đầu tiên của Việt Nam được dự Olympic sau 32 năm. Ở trận ra quân, anh hạ đối thủ được đánh giá cao hơn Tayfur Aliev, mang về chiến thắng đầu tiên cho boxing Việt Nam ở đấu trường này, sau võ sĩ Đặng Hiếu Hiền khi nhận vé mời dự Olympic 1988. Cùng với đó là tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh, lần đầu dự Thế vận hội đã mang về 2 chiến thắng, dù không vượt qua được bảng đấu có sự góp mặt của số 1 thế giới.

Trong nhiều năm trở lại đây TTVN luôn nằm trong tốp đầu trên BXH chung cuộc khi tham dự các kỳ SEA Games, với tỷ lệ HCV ở các môn Olympic tăng đều qua từng kỳ Đại hội. Tuy nhiên, khi ra đấu trường Olympic, chúng ta đang tụt lùi so với các quốc gia trong khu vực. Ngay ở Thế vận hội lần này, các đoàn Thái Lan và Philippines đều đã có 1 HCV, trong khi Indonesia dẫn đầu Đông Nam Á, tính đến ngày 2/8 với tổng cộng 5 huy chương giành được (1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ), thành tích còn tốt hơn so với nhiều đoàn thể thao của các quốc gia châu Âu.

Vấn đề đầu tư của ngành vẫn luôn được nhắc tới, sau những kỳ Đại hội quốc tế không thành công. Thực tế thì chúng ta đang yếu cả về lượng và chất những khi bước ra sân đấu thế giới. Ánh Viên là trường hợp đầu tư hỏng bởi tố chất và tài năng của cô không được phát triển đúng hướng, rốt cuộc chỉ để giành huy chương ở đấu trường ĐNA. Trong khi đó, những gương mặt được coi là biểu tượng của TTVN tại đấu trường Olympic như Hoàng Xuân Vinh hay Nguyễn Tiến Minh không có lực lượng kế cận. Điều đó khiến sau lưng Tiến Minh (38 tuổi) – tay vợt già nhất của môn cầu lông tại Olympic Tokyo 2020 là 1 khoảng trống mênh mông, còn ở môn bắn súng, thực tế chưa có xạ thủ trẻ nào thay thế được Hoàng Xuân Vinh – 47 tuổi, để đua tranh huy chương quốc tế.

Đánh giá về kết quả mà Đoàn TTVN nhận được tại Thế vận hội lần này, ông Trần Đức Phấn – Trưởng đoàn, một lần nữa nhắc đến nguyên nhân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khiến các VĐV mất hơn 1 năm không thi đấu, không tập huấn nước ngoài. Nhưng đó có là lí do quyết định dẫn đến thành tích của chúng ta sụt giảm, trong khi ở 1 hoàn cảnh tương tự, các nước ĐNA khác vẫn giành được HCV. Còn ở tầm thế giới, thì Olympic 2020 chứng kiến hàng loạt kỷ lục đã tồn tại hàng chục năm bị phá, cùng những cuộc so tài ở đỉnh cao chất lượng chuyên môn, được đánh giá là hấp dẫn nhất nhì lịch sử Thế vận hội.

Một lãnh đạo của ngành Thể thao đã chia sẻ, “Thành tích thể thao tại đấu trường Olympic là phản ánh đúng nhất thực chất nền thể thao của mỗi quốc gia cũng như kinh tế hay sự thịnh vượng của quốc gia đó, có ngoại lệ nhưng rất hiếm. Tình yêu thể thao lại khác, vì vậy thể thao phong trào mới phát triển như hiện nay. Từ phong trào đến đỉnh cao là bài toán khó nhưng không phải không có lời giải”. Chỉ có điều, lời giải đó chưa đến với TTVN ở tương lai gần và Olympic vẫn là một đấu trường còn xa với các tuyển thủ VN. Ngành thể thao xác định, cần rút kinh nghiệm cũng như có những điều chỉnh trong việc đầu tư cho VĐV trọng điểm nhằm phục vụ cho mục tiêu cạnh tranh huy chương một cách sòng phẳng trong 1-2 chu kỳ Olympic tới (tức là 4-8 năm).

Thay đổi sau những thất bại là điều cần thiết để hướng tới thành công, nhưng để VĐV Việt Nam “vượt qua được chính mình” khi tranh tài ở đấu trường đỉnh cao là không đơn giản trong hoàn cảnh hiện tại. Ngay năm tới đã là ASIAD ở Hàng Châu (Trung Quốc) và Đại hội thể thao châu Á đang được xác định là đấu trường trọng điểm của TTVN.