Đã có lần, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí ví von việc thu hồi tài sản tham nhũng không khác gì như “Bát nước đổ đi rồi không bao giờ lấy lại đủ được”…Dù đó chỉ là hình ảnh ví von nhưng cũng đã có người nghĩ tới, tại sao không xây dựng một cơ chế đủ chặt chẽ, đủ nghiêm minh để không phải hốt lại bát nước đổ đi…?

Một câu hỏi thật khó, nhưng có lẽ rất đáng để bận tâm.

Theo dõi phiên tòa liên quan đến các vụ đại án tham nhũng với nhiều cán bộ, thậm chí là cả cán bộ cấp cao bị xử lý, không có vùng cấm, dư luận cảm thấy tin tưởng và phấn khởi khi loại tội phạm này bị trừng trị nghiêm minh. Nhưng diệt tham nhũng mà chỉ xử lý con người, không thu hồi được tài sản thất thoát thì có khiến người dân “tâm phục, khẩu phục”?

Chỉ xin đơn cử: Trong vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, và đồng phạm, các bị cáo phải bồi thường 110 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ thu hồi được trên 21 tỷ đồng, tức là chưa đến 1/5. Hay trong vụ "đại án" kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như, tòa tuyên án bị cáo phải sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định chỉ thu về cho Nhà nước được hơn 5% số tiền này là 500 tỷ đồng…Còn nhiều, nhiều hơn thế các vụ đại án tham nhũng nhưng tỷ lệ tài sản thu hồi được chỉ là con số vô cùng khiêm tốn…Nếu thu hồi được sẽ đủ để xây hàng nghìn nhà đoàn kết, nhà tình nghĩa, xây cầu, trường học cho trẻ em vùng sâu, vùng xa...

Một đất nước còn khó khăn, vẫn còn hàng trăm nghìn hộ nghèo và nhiều gia đình chính sách, gia đình liệt sĩ…cần trợ cấp, thế nhưng lại để khối tài sản tham nhũng bị “lọt lưới”, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước như thế thì quả là khó có thể chấp nhận.

Với nhiều nước, nếu bị can không chứng minh được số tài sản mình sở hữu là hợp pháp đều bị thu hồi, còn ở nước ta thì sao? Cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng phải tự đi chứng minh số tài sản bị can sở hữu là bất hợp pháp mới có thể thu hồi… Mà trong thực tế, việc chứng minh tài sản bất hợp pháp, chẳng khác gì bài toán khó.

Lý do là ở nước ta, giao dịch chủ yếu vẫn bằng tiền mặt. Đây là kẽ hở để đối tượng có hành vi tham nhũng khi tiên lượng được “bất trắc” có thể chủ động tẩu tán tài sản bằng việc nhờ người thân trong gia đình đứng tên hộ. Đó là chưa kể, chúng ta chưa có cơ chế pháp lý để ngăn chặn sớm việc tẩu tán tài sản khi cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm tội.

Vậy là khi cơ chế chưa chặt chẽ, pháp luật vẫn còn nhiều lổ hổng, thì chuyện "hi sinh đời bố củng cố đời con" sẽ là lựa chọn của đa số các đối tượng khi biết mình khó tránh khỏi “lưới trời”.

Con số 80 nghìn tỷ đồng được thu hồi trong các vụ án tham nhũng giai đoạn 2016 - 2021 dẫu chưa thực sự như mong muốn nhưng cũng là một kết quả vượt trội so với nhiều năm trước. Nó được xem như một minh chứng cho việc dù khó đến đâu nếu có quyết tâm thì cũng sẽ làm được…

Có lẽ không phải ngẫu nhiên Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế lại nhấn mạnh đến vấn đề nhận thức trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, coi việc thu hồi tài sản là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt… Bởi xét cho cùng, cơ chế nào, luật pháp nào cũng vẫn là con người, mà con người trong cơ chế đó có vai trò vô cùng quan trọng của người đứng đầu.

Nhiều người cho rằng, Chỉ thị 04 của Ban Bí thư không chỉ là tuyên ngôn mạnh mẽ trong công cuộc chống tham nhũng mà còn là lời cảnh tỉnh cho những người có mưu đồ xấu. Đồng thời đây cũng là cơ sở để cơ quan Nhà nước nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung, đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới để không còn chuyện “khó như thu hồi tài sản tham nhũng…” hay khó đến mức như “hốt lại bát nước đã đổ đi”.