Ở Ấn Độ có một cánh rừng gọi là rừng Molai. Năm 1979, chàng thanh niên Jadav Molai Payeng chứng kiến cảnh hàng đàn rắn bị tấp vào bờ cát sau trận lụt lớn, chết khô vì không một bóng mát. Anh đã khóc cho những sinh vật vô tội này và quyết định phải trồng rừng để làm nơi trú ẩn cho các sinh vật trên hòn đảo.

Jadav bị mọi người coi như một “kẻ mộng mơ” không thực tế. Tuy vậy, “kẻ mộng mơ” đó đã một mình kiên nhẫn trồng từng cái cây bằng những dụng cụ thô sơ dưới cái nóng thiêu đốt của mặt trời Ấn Độ. Sau 40 năm, Jadav Molai Payeng đã trồng được một khu rừng có diện tích 550ha và là nơi cư trú của hàng trăm loài động vật. “Rừng Molai” đã mọc và phát triển xanh tươi từ một ý tưởng mộng mơ!

Vâng, một con người nhỏ bé, nếu có mong muốn, có hoài bão, đều có thể làm nên điều tuyệt vời như thế.

Ở nước ta, mùa Xuân Kỷ Hợi 1959, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động "Tết trồng cây". Với Người, trồng cây không chỉ là công việc nông, lâm đơn thuần mà còn bao hàm ý nghĩa sâu sắc về giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên được người Việt trao truyền qua bao thế hệ. Ngay cả trong giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Người cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng: “Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”. Bài học phát triển kinh tế gắn liền với môi trường bền vững đã được Người nhắc nhở từ hơn nửa thế kỷ trước.

Hơn 60 năm qua, lời kêu gọi “Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” của chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được sự đồng thuận của nhân dân cả nước và đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Nhớ và làm theo lời Người, “Tết trồng cây” được phát động và thực hiện rầm rộ tại các địa phương mỗi dịp Xuân sang. Hình ảnh lãnh đạo các địa phương, thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức… quần áo chỉnh tề, cầm xẻng xúc đất, tưới cây đã trở nên quen thuộc, như là biểu tượng cho một hoạt động từ lâu đã trở thành phong trào “phải có” ở nhiều nơi.

Tuy nhiên, hàm ý sâu sắc trong lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh về “Tết trồng cây” lại dường như chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Bởi có nhiều nơi, người ta bưng cây to, cây trưởng thành từ nơi khác đến trồng như một cây lưu niệm. Lại có nơi, ra quân rầm rộ, quay phim chụp hình để lấy thành tích, trồng xong không biết cây sống hay chết, ai chăm sóc? Những hiện tượng ấy đã làm mất đi giá trị tốt đẹp khởi thủy của "Tết trồng cây", thậm chí, làm méo mó tư tưởng, tầm nhìn sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc làm rất có ý nghĩa này.

Để "Tết trồng cây" thật sự có giá trị như mong muốn của chủ tịch Hồ Chí Minh, đầu Xuân Tân Sửu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021, trong đó kêu gọi cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025.

“Một tỷ cây xanh” không phải là mục tiêu quá lớn đối với đất nước gần trăm triệu dân. Đây cũng không phải con số hữu hạn để các cấp, các ngành trồng cây theo phong trào, đếm đầu cây theo số lượng để báo cáo Chính phủ lấy thành tích. Bởi đâu phải cứ mùa xuân mới trồng cây, đâu phải cứ trồng đủ "một tỷ cây xanh" là sẽ phủ được hết đồi trọc vì hiện, độ che phủ rừng mới chỉ chưa đầy 40%. Điều quan trọng là làm sao để lời kêu gọi trồng “một tỷ cây xanh” của Thủ tướng Chính phủ thấm vào hành động, nhuyễn vào ý thức của mỗi người. Đó là bảo vệ môi trường, biết yêu thiên nhiên và đối xử công bằng với tự nhiên.

Một câu chuyện được viết lại thế này. Năm 1977, học giả Kirkpatrick Sale đã hỏi kinh tế gia người Đức E.F. Schumacher: “Dựa vào những hiểu biết sâu sắc về kinh tế, xã hội của mình, ông có thể đưa ra lời khuyên nào có tính hoàn toàn chính trị không?”. Schumacher trả lời: “HÃY TRỒNG MỘT CÂY!”.

"Vì một Việt Nam xanh" - đừng để ngày mai mới bắt đầu, hãy trồng cây ngay hôm nay, để lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ sớm cán đích và để có hàng triệu triệu những “kẻ mộng mơ” với ý tưởng tạo ra những cánh rừng như rừng Molai.