Siêu thị “0 đồng” với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, ai cần cứ lấy. Những cây “ATM gạo” miễn phí mọc lên nhiều hơn…Rồi cả những quầy hàng “0 đồng”, bếp ăn “0 đồng” cùng hàng trăm nghìn suất cơm miễn phí…cứ thế đến với người dân nghèo các tỉnh, thành vùng tâm dịch như một lẽ tự nhiên…Không nặng về vật chất nhưng những món quà ấy đang lan tỏa sự yêu thương, đùm bọc, tinh thần đoàn kết để động viên nhau cùng bước qua mùa dịch…

Lòng tốt, những việc làm tử tế, thiện nguyện giúp nhiều người lao động nghèo đang bị bủa vây trong muôn vàn khó khăn vì dịch bệnh vẫn có thể nở nụ cười tin tưởng vì cảm nhận tình cảm ấm áp, sự sẻ chia của cộng đồng.

Và thật lạ, khi thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam đang trong những ngày giãn cách xã hội vật vã nhất để “chữa trị vết thương” do Covid-19 gây ra, vậy mà ai cũng tin ngày “hồi phục sức khỏe” của những nơi ấy không còn xa…Có lẽ chẳng cần giải thích thì ai cũng hiểu sự “hồi phục” đó nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều từ sự đồng lòng cùng sức mạnh của những cái nắm tay siết chặt, của những nghĩa cử yêu thương, chia sớt trong hoạn nạn, khó khăn…

Vui vì sự lan tỏa, vì sức mạnh của sự đoàn kết được phát huy. Thế nhưng cũng thật buồn khi đâu đó vẫn có nhưng câu chuyện với muôn vạn nỗi niềm…Mới đây dư luận đã chỉ trích một cách gay gắt sau khi một số video clip về việc phát cơm từ thiện được đăng tải trên mạng xã hội mà trong đó người phát cơm đã có hành động, lời nói khiếm nhã, thiếu văn hóa, gây tổn thương cho những người nhận hỗ trợ.

Sự việc này cũng khiến cho mọi người nhớ lại một câu chuyện xảy ra chưa lâu. Năm ngoái, cũng trong những ngày dịch bệnh đỉnh điểm nhất, hình ảnh một cô bé tóc ngắn, ăn mặc gọn gàng đứng xếp hàng để nhận gạo miễn phí ở cây ATM gạo nhưng bất ngờ bị từ chối với lý do không đúng đối tượng được nhận. Ngay lúc đó nhiều người đã tự hỏi phải chăng do cô bé ăn mặc sạch sẽ quá nên “máy” không nhận diện…Câu chuyện này đã trôi qua một năm, nhưng tôi tin nhiều người vẫn còn ám ảnh với ánh mắt bẽ bàng, ngơ ngác của cô bé ấy.

Ai cũng biết, từ thiện là để hỗ trợ những người thực sự khó khăn. Bởi vậy, khi những nhà hảo tâm từ chối một ai đó do lo ngại sẽ phát nhầm hỗ trợ tới những người không đúng đối tượng cũng là điều có thể hiểu, cảm thông…Nhưng ở một góc nhìn khác, sao không đặt câu hỏi vì lý do gì mà cô bé ăn mặc gọn gàng kia, hay người phụ nữ đeo nhẫn vàng, sơn móng tay nọ… phải đứng xếp hàng cùng với những người khó khăn để nhận một bữa cơm miễn phí đáng giá mấy chục nghìn đồng? Mà đã là từ thiện thì có nhất thiết phải “nhìn mặt” để “bắt hình dong”? Bởi vậy, thay vì phán xét thì hãy bao dung, cảm thông và nhìn nhận sự việc hiện tượng một cách tích cực không suy diễn, phán xét, nhận từ thiện mà lại phải chịu đựng những lời lẽ khinh miệt, xúc phạm, coi thường, nhận hỗ trợ mà không khác gì sự ban phát…. Đó là điều đau lòng và kém văn hóa.

“Của cho không bằng cách cho”, câu nói ấy trong những ngày này được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết như một nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong mỗi việc làm thiện nguyện, dù là của cá nhân hay bất kỳ tổ chức nào…Làm từ thiện, tưởng dễ mà không dễ…và quan trọng hơn, văn hóa cho - nhận cũng rất cần phải học, làm sao để cả người cho và người nhận đều cảm thấy ấm áp.