Thật đáng tự hào! Một quốc gia dù nhỏ bé, kinh tế cũng chưa thể sánh với nhiều cường quốc khác nhưng đã làm được những việc khiến cả thế giới ngợi khen, ngưỡng mộ…

Sự thành công ấy, có lẽ là nhờ Việt Nam đã đi một “nước cờ” khác biệt ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát với một loạt biện pháp sớm, sáng tạo và quyết liệt, theo phương châm: Ngăn chặn triệt để; phát hiện sớm nhất; cách ly lập tức; khoanh vùng thật gọn; dập tắt triệt để…Cùng với đó, Chính phủ còn triển khai gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng - một quyết sách đầy tính nhân văn và được coi là chưa có trong tiền lệ.

Có một thực tế là, trong bối cảnh lúc đó, những câu chuyện lùm xùm, tiêu cực xung quanh chuyện mua trang thiết bị vật tư ngành y đang ít nhiều gây mất niềm tin trong nhân dân thì việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cũng khiến dư luận có sự băn khoăn, hoài nghi về những tiêu cực tương tự có thể xảy ra?

Thậm chí người đứng đầu ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì triển khai gói hỗ trợ này, cũng đã phải nghiêm khắc quán triệt “Nếu đụng đến dù chỉ một đồng thôi trong gói hỗ trợ này sẽ là nỗi nhục suốt đời của người cán bộ...”. Bởi những hoài nghi của dư luận cũng là điều mà ông lo lắng khi đâu đó vẫn có (dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”), những cán bộ “ăn không từ thứ gì”, kể cả khoản cứu trợ có tính chất khẩn cấp như lũ lụt, hay trợ giúp cho những hoàn cảnh khó khăn, người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, như câu chuyện “dê, gà” lạc đường trước đó.

Thực hiện nghiêm túc và nghiêm khắc ngay từ đầu - niềm tin của người dân bắt đầu lan tỏa…Thậm chí, nhiều người dù thuộc diện được thụ hưởng vẫn chủ động xin không nhận hỗ trợ, rồi không ít doanh nghiệp đang trong cảnh lao đao cũng bày tỏ nguyện vọng không nhận để nhường cho người nghèo.

Cứ thế, Việt Nam “vượt bão” dịch bệnh và ngay sau đó là thảm họa thiên tai bằng niềm tin nội lực, bằng sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân.

Đến thời điểm này, khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới bị rơi vào suy thoái sâu, Việt Nam vẫn tự hào khi nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng dương. Kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, môi trường… vẫn được bảo đảm với nhiều kết quả ấn tượng. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trên cả nước ước tính giảm còn dưới 3% vào cuối năm nay. Mở rộng đối tượng, nâng mức hỗ trợ người có công và tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng. Đến nay, có gần 1,4 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới.

Như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam, không thử thách nào mà dân tộc Việt Nam không thể vượt qua…”. Đây là tiền đề căn cốt để Việt Nam vươn tới cùng những khát vọng mới trong năm 2021.