Đêm 25/11 chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" đã phát sóng câu chuyện của một người phụ nữ đang băn khoăn không biết có nên nối lại tình nghĩa vợ chồng với người chồng vũ phu, nghiện rượu hay không. Tình cảnh của người phụ nữ này đã nhận được nhiều sự cảm thông, chia sẻ của thính giả nghe câu chuyện của chị và của biên tập viên của chương trình:

Đàn ông uống rượu là hết sức bình thường, nhưng uống đến nỗi gây nghiện thì không phải là một thói quen, đây chính là một chứng bệnh mãn tính, một khi những người nghiện rượu bắt đầu uống thì họ không thể dừng lại. Càng ngày họ càng cần nhiều rượu hơn để đem lại cảm giác khoan khoái dễ chịu. Nhiều người vợ không biết cách làm thế nào để đối phó với người chồng nghiện rượu. Một số người thường ở lại và chịu đựng trong im lặng với hy vọng người chồng của họ sẽ quay lại với cuộc sống gia đình trong một ngày nào đó. Nhưng sẽ không đi đến đâu cả nếu họ chỉ biết đứng nhìn và chờ đợi. Chị đã từng có những tháng ngày hạnh phúc và cũng có những tháng ngày cực khổ vì chồng chỉ suốt ngày chìm đắm trong rượu và hành hạ, đánh đập vợ con, rượu đã làm cho chồng chị không còn đủ minh mẫn, vì vậy mới có hành động bạo lực như bẻ tay và đòi thiêu sống con gái.

Chị thấy đấy, nếu hôn nhân không hạnh phúc, cuộc sống chỉ là những chuỗi ngày đau khổ và thất vọng thì việc tìm lối thoát cho mình là một quyết định đúng đắn. Ngày ấy chị đã dứt khoát mang các con rời xa người chồng, người cha đó, vậy sao giờ lại muốn quay lại? Chỉ vì sức khỏe của chị ngày càng yếu hay còn vì điều gì khác? Bao năm qua, ba mẹ con chị dựa vào nhau mà sống, tuy có nhiều khó khăn nhưng chị vẫn cảm thấy hạnh phúc vì các con chăm ngoan, học giỏi. Con gái lớn cũng đã trưởng thành và cũng sắp tốt nghiệp đại học, cháu có thể đi làm tự lo cho bản thân mình, nếu công việc thuận lợi tôi nghĩ cháu cũng có thể phụ giúp chị bớt một phần gánh nặng kinh tế gia đình. Còn con gái thứ hai và cậu con út của chị cũng lớn rồi, cháu có thể phụ giúp chị việc nhà và tự chăm sóc bản thân mình. Đúng là người nghiện sẽ có những lúc tỉnh táo và nhìn nhận lại những hành động của mình, khi đó họ sẽ cảm thấy hối hận vì những đã làm, nhưng chị phải xem xét xét thật kĩ sự thay đổi của chồng chị có đáng để nhận được sự tha thứ hay không? Anh ta đã thực sự biết hối lỗi về những việc mình đã làm và điều quan trọng là có thể đi làm để giúp chị san sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền không? Bao năm nay một mình chị nuôi con, chồng chị cũng không đóng góp, chu cấp tiền cho con để hoàn thành nghĩa vụ của người cha, vậy thì liệu rằng chị có thể dựa dẫm vào người đàn ông đó không? Đây mới chính là vấn đề chị cần quan tâm tới.

Nếu giờ chị quay lại mà chồng chị vẫn chứng nào tật ấy, vẫn uống rượu và không chịu lao động thì tự chị lại mang dây buộc vào mình. Không những không giải quyết được khó khăn trước mắt của chị mà có khi còn làm khổ bản thân mình hơn. Tôi biết là chị vẫn còn thương và yêu chồng mình nên dù sau khi chia tay bao nhiêu năm như vậy mà vẫn còn lấn cấn muốn quay lại, nhưng chị hãy cân nhắc thật kĩ giữa cái được và cái mất. Thêm vào đó hãy hỏi ý kiến con của chị xem các cháu nghĩ sao, có muốn mẹ hòa hợp với bố hay không? Cho người khác cơ hội đôi khi cũng là tạo thêm cơ hội cho chính bản thân mình, nếu cảm thấy chồng chị đã thực sự thay đổi, chỉn chu và biết hối cải, thì chị cũng có thể nghĩ đến việc về lại một nhà. Còn nếu chồng chị vẫn còn giữ thói quen uống rượu dù tần suất có ít hơn đi nữa thì theo tôi chị cứ sống như vậy cho nhẹ nhàng, thanh thản chị ạ.

Hi vọng rằng những lời khuyên của thính giả gần xa sẽ giúp chị tìm ra lối thoát và đưa ra quyết định đúng đắn.