Cả một đời tần tảo nuôi con cháu lớn khôn, nhưng đến cuối đời, người phụ nữ lớn tuổi lại bị chính giọt máu của mình đối xử tệ bạc, bất hiếu. Bà viết thư về chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi để mong vợi bớt phần nào nỗi đau đớn của mình:

Năm nay tôi 61 tuổi. Tôi lấy chồng năm 22 tuổi và có 3 đứa con: 2 trai, 1 gái. Dù là con trai hay con gái, chúng tôi đều đối xử như nhau, không thiên vị con nào.

6 năm trước, chồng tôi qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Con trai lớn và con gái của tôi đều đã lập gia đình và ở xa. Vì thế, sau khi chồng qua đời, tôi sống cùng con trai út. Đó là căn nhà mà vợ chồng tôi tích cóp tiền của để xây dựng. Do không đủ tiền, nên lúc đó chúng tôi chỉ xây 2/3 mảnh đất, còn 1/3 vẫn là nhà cấp bốn, lợp mái tôn. Năm 2019, con trai út của tôi lấy vợ. Tôi lo cho con ba bảy vuông tròn.

Một tháng sau ngày cưới của con trai, bố đẻ tôi qua đời vì tuổi già, sức yếu. Đau buồn vì thương bố nên sau khi chu tất hậu sự cho ông, tôi ngã bệnh. Thế nhưng cả con trai út của tôi lẫn cô con dâu mới đều chẳng hỏi han gì đến tôi. Chỉ khi anh chị chúng về, chúng mới tỏ ra chăm sóc tôi. Đến khi các anh chị đi hết, chúng lại không coi tôi ra gì.

Chúng tôi ở cùng nhà nhưng lại ăn riêng. Lý do một phần là do tôi đã lớn tuổi, lại nhiều bệnh nên phải ăn theo chế độ riêng; một phần vì con dâu không muốn phải phục vụ mẹ chồng. Tôi cũng nuôi vài con gà để đến ngày giỗ bố mẹ chồng, giỗ chồng tôi nhưng con dâu tôi cũng nuôi gà. Một hôm, tôi nhốt nhầm một con gà chíp của nó vào chuồng gà của tôi. Vậy là 2 mẹ con lời qua tiếng lại, con dâu túm cổ áo tôi. Tôi hoảng sợ kêu hàng xóm đến thì nó mới bỏ ra. Sau chuyện ấy, chắc nó ghét tôi lắm. Thế nên con dâu cho tôi ra ở riêng ở căn nhà cũ. Con trai tôi chẳng những không ngăn cản vợ nó mà còn hùa theo. Đã thế, con trai tôi thường xuyên uống rượu say. Mỗi lần uống say, nó thường bảo là tôi mà chết thì nó mừng. Tôi đã thai nghén nó 9 tháng 10 ngày, lại sinh thành, dưỡng dục nó bao nhiêu năm qua. Tôi tự hỏi mình chưa từng đối xử bạc đãi với con, cũng chẳng làm gì có lỗi với vợ chồng nó. Vậy tại sao chúng lại đối xử với tôi như vậy?

Cách cư xử của con trai và con dâu khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Vì thế mà huyết áp của tôi tăng cao, còn tinh thần thì suy sụp. Nhiều lúc, tôi chỉ muốn nhắm mắt buông xuôi cho xong, cho thỏa nguyện của con trai tôi. Có điều, tôi lại nghĩ đến những đứa con khác của mình, nghĩ đến những đứa cháu vẫn còn nhỏ dại. Vậy là tôi lại chẳng dám từ bỏ cõi đời này. Thế nhưng, tôi phải sống tiếp quãng đời còn lại như thế nào đây?

Sau khi phát sóng câu chuyện của bà, chương trình đã nhận được nhiều chia sẻ, góp ý của thính giả và biên tập viên chương trình cũng có đôi lời muốn nói với bà:

Có lẽ mong muốn lớn nhất của những người làm cha làm mẹ là có những đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo, giỏi giang, có gia đình êm ấm, hạnh phúc. Tiếc rằng bây giờ khi con trai khôn lớn, bà lại chỉ nhận được sự “trả hiếu” bằng những câu nói làm tổn thương tinh thần. Thế nên tôi có thể hiểu cảm giác “sống không được mà chết cũng không xong” của bà. Nhưng chết không phải sự lựa chọn tốt nhất để giải quyết bi kịch đâu bà ạ.

Người ta vẫn bảo cho đi yêu thương thì sẽ nhận lại yêu thương nhưng đôi khi, có người cứ mãi “cho đi” mà chẳng “nhận lại” được gì, giống như bà vậy. Dĩ nhiên, tình cảm không phải là hàng hóa, không thể trao đổi như 1 món hàng. Nhất là tình cảm máu mủ, sự quan tâm, đối xử chân thành giữa những người thân trong gia đình thì không gì có thể so sánh, càng không thể đánh đổi được. Và có lẽ đối với những người mẹ thì hy sinh vì con, lo lắng cho con vô điều kiện là điều hiển nhiên. Nhưng tình cảm cũng giống như nước hồ, cứ chảy mãi ra ngoài mà không có nước thêm vào thì rồi cũng sẽ cạn. Thế nên, sau bao cố gắng vun vén cho gia đình, chăm lo cho các con mà không nhận lại được tình cảm và sự tôn trọng thì bà chán nản, tủi thân, muộn phiền, thất vọng đến mức muốn buông xuôi là điều hiển nhiên. Nghe câu chuyện của bà, ai cũng thấy thái độ, cách đối xử của con trai và con dâu với bà là không thể chấp nhận được. Vì ai cũng cần được tôn trọng, nhất là những người làm cha, làm mẹ thì càng nên nhận được sự kính trọng của các con, chứ không phải bị coi như người dưng nước lã, chẳng nhận được chút đoái hoài, quan tâm, đã thế còn bị đối xử hỗn hào. Và dù pháp luật cho phép, nhưng ở đời chẳng cha mẹ nào muốn kiện con ra tòa để đòi tình yêu thương của nó dành cho mình. Thế nên, vẫn còn nhiều lắm những đứa con bạc nghĩa, bạc tình sống nhởn nhơ…

Nếu như gia đình bà còn đủ cả vợ, cả chồng thì bà còn có người để nương tựa, chia sẻ và giúp đỡ bà răn dạy con trai và con dâu. Nhưng không may, chỉ còn 1 mình bà đối diện với đứa con bất hiếu, vô tâm, vô tình. Và càng như thế thì bà càng phải cố gắng, chứ đừng im lặng hay ra đi. Vẫn biết là bà đã quá thất vọng và chán chường vì con trai, con dâu của mình nhưng nếu buông xuôi mọi chuyện như vậy, chắc chắn bà chẳng thể thanh thản và nhẹ nhõm. Thế nên, hãy cố gắng trò chuyện thân tình, cởi mở, bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận của bà với cả con trai và con dâu, để 2 bên có thể hiểu nhau hơn, để họ biết đã gây ra cho bà những tổn thương như thế nào. Và biết đâu, giữa bà và các con có sự hiểu lầm gì thì sao? Nói ra có lẽ cả 2 bên sẽ cùng có cách giải quyết. Bà cũng có thể kể chuyện này với những người con khác của mình, để họ góp ý với vợ chồng em trai. Còn nếu thực sự mối quan hệ mẹ con không thể cứu vãn thì bà đành chết tâm, coi như mình không có người con như vậy mà cứ vui vầy với những người con, người cháu khác để được nhẹ lòng. Nhưng tôi vẫn mong, con trai và con dâu bà có thể thay đổi, biết quan tâm, kính trọng người mẹ đã tần tảo hi sinh cho mình hơn, để bà có được hạnh phúc khi về già./.