Ủy ban nhân dân xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có công văn trả lời đơn của ông Lê Văn Tâm ở thôn Tân Văn 1, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang về việc đề nghị giải quyết chế độ người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945 cho thân sinh của ông là cụ Cao Thị Trang. Nội dung công văn trả lời như sau:

Bản khai quá trình tham gia hoạt động cách mạng của cụ Cao Thị Trang tại UBND xã Tân Dĩnh nêu rõ:

+ Từ tháng 6/1945 đến tháng 6/1946: Là đội viên tự vệ sao vuông xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tham gia rải truyền đơn Việt Minh, đánh cướp kho thóc Nhật ở phố Giỏ. Tham gia cướp chính quyền ở thị xã phủ Lạng Thương tháng 8/1945.

+ Từ tháng 6/1946 đến tháng 01/1952: Là đội viên du kích xã và công tác tại bộ phận phản gián huyện Lạng Giang.

+ Từ tháng 2/1952 đến tháng 10/1953: Bị địch bắt khi làm nhiệm vụ ở vùng địch tạm chiếm (xã Thái Đào, huyện Lạng Giang).

+ Từ tháng 11/1953 đến tháng 10/1954: Là đội viên du kích xã.

+ Từ tháng 11/1954: Nghỉ công tác.

Tại Điều 11, Mục 2, Nghị định số 31 năm 2013 của Chính phủ ngày 9/4/2013 về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định về điều kiện xác nhận đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 như sau:

1. Người hoạt động cách mạng thoát ly là người đã tham gia trong các tổ chức cách mạng, lực lượng vũ trang từ cấp huyện hoặc cấp hành chính tương đương trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa của từng địa phương (phụ lục) và sau đó tiếp tục tham gia một trong hai cuộc kháng chiến (trừ trường hợp do yêu cầu giảm chính, phục viên hoặc không đủ sức khỏe).

2. Người hoạt động cách mạng không thoát ly là người chỉ hoạt động ở cơ sở trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa của từng địa phương và sau đó tiếp tục tham gia một trong hai cuộc kháng chiến (trừ trường hợp do yêu cầu giảm chính, phục viên hoặc không đủ sức khỏe), bao gồm:

a) Người đứng đầu tổ chức quần chúng cách mạng cấp xã hoặc tương đương: Bí thư, Chủ tịch, Chủ nhiệm Việt Minh, Bí thư nông dân cứu quốc, Bí thư thanh niên cứu quốc, Bí thư phụ nữ cứu quốc;

b) Đội tưởng hoặc tổ trưởng, nhóm trưởng của đội, tổ, nhóm tự vệ chiến đấu, tuyên truyền giải phóng, thanh niên cứu quốc, nông dân cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, thiếu nhi cứu quốc (ở địa phương nơi chưa hình thành tổ chức quần chúng cách mạng cấp xã);

c) Người được kết nạp vào tổ chức Việt Minh, sau đó được giao nhiệm vụ ở lại địa phương hoạt động phát triển cơ sở cách mạng;

d) Người tham gia hoạt động cách mạng tháng Tám năm 1945 và sau ngày khởi nghĩa đến ngày 31 tháng 8 năm 1945 đứng đầu một tổ chức cách mạng quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này.

3. Không xác nhận đối với trường hợp bị khai trừ khỏi Đảng.

Đối chiếu với quy định nêu trên, cụ Cao Thị Trang không đủ điều kiện để thiết lập hồ sơ người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Vậy Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo cho ông Lê Văn Tâm được rõ về việc giải quyết đơn kiến nghị của ông.