Chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi đã nhận được bức thư tâm sự của một chàng trai trẻ về sự cô đơn, mặc cảm của mình với thế giới xung quanh:

Tôi năm nay 28 tuổi , đang làm nhân viên cho công ty quản lý tài sản. Tôi có bệnh bẩm sinh nên từ khi ra đời cả gia đình tôi đã lo thuốc thang, chạy chữa. Hàng năm tôi đều phải ra Hà Nội khám định kỳ cho đến khi hết cấp 1 mới thôi. Nhưng có điều bác sĩ nói cuộc sống của tôi sẽ phải gắn liền với thuốc cả đời, nên sức khỏe cũng yếu ớt và làm việc chậm chạp hơn những người khác.

Tôi cố gắng học hành chăm chỉ để có được tấm bằng đại học. Nhưng đúng cuộc sống không như ý, không phải có được tấm bằng đại học là sẽ có được một công việc tốt. Khi tôi ra trường, lúc đó khó xin việc nên phải làm lao động tự do khoảng 1-2 năm, chắt bóp chi tiêu cũng đủ tiền mua xe và điện thoại cho mình. 3 năm về trước, tôi đi học lại 1 khóa học kế toán. Được một thời gian ngắn, đành phải nghỉ học do có người xin cho tôi vào làm bảo vệ ở một công ty. Do sức khỏe yếu ớt và chậm chạp không như những người thanh niên khác nên gia đình tôi nhất quyết không cho tôi đi làm bảo vệ.

Mỗi người trong gia đình tôi có tính cách khác nhau. Ba tôi thì lại tự tin thái quá, lúc nào cũng cho mình đúng. Mẹ thì cố chấp, ai nói gì thì bà cũng phải cố nói đi nói lại cho bằng được. Em tôi thì lúc nào cũng bắt nạt và sai vặt tôi. Bản thân tôi thì vốn là người trầm tính, ít nói, sống nội tâm, khó chia sẻ với mọi người nên luôn phải chịu đựng những lời nói chỉ trích của mọi người dù là điều nhỏ nhặt nhất. Tôi thực sự cảm thấy mình là người bất tài vô dụng, thậm chí bất lực trong cuộc sống bon chen này. Trong nhà, tôi như là người thừa, là cái gai trong mắt của mọi người. Có vẻ như khoảng cách giữa tôi và những người thân ngày càng lớn dần và xa cách nhau hơn. Do sức khỏe yếu nên tôi có linh cảm rằng số phận mình ngắn ngủi, chẳng còn thời gian được bao lâu? Mỗi lần nghĩ đến điều đó, tôi lại cảm thấy tội cho ba mẹ mình vất vả sinh thành và nuôi dưỡng, chạy chữa cho tôi nhưng rồi lại chẳng gặt hái được thành quả gì.

2 năm gần đây, tôi lại càng sợ đến những nơi đông người, ngại va chạm tiếp xúc ngay cả chính người thân họ hàng chứ không riêng gì người lạ. Tôi không đủ tự tin để gặp gỡ và giao tiếp với bất cứ ai. Không có bạn bè, người thân cũng không thấu hiểu nên tôi cũng chẳng có ai để cùng chia sẻ. Giờ tôi chỉ muốn ở một mình hoặc đi đâu đó thật xa. Nhìn thấy mọi người đi chơi, giao lưu gặp gỡ nhau tôi lại có cảm giác trống trải, chạnh lòng và tủi thân. Thế nên tôi thường lên mạng để tìm kiếm và "tâm sự với người lạ". Tôi chẳng bao giờ trách móc giận dỗi ai cả, nếu có thì cũng chỉ giữ trong lòng, "Sống để bụng chết mang theo" mà thôi. Tôi chỉ biết trách móc bản thân mình đến nỗi tự dằn vặt, giày vò, cắn rứt lương tâm, không chịu đựng được cú sốc lớn, đầu tôi như muốn nổ tung, sức chịu đựng vượt quá giới hạn cho phép. Có phải tôi đang mắc bệnh tự kỷ, trầm cảm hay không? Tôi cảm thấy mặc cảm, tự ti về bản thân vô cùng. Tôi không thể lạc quan khi cơ thể luôn phải chịu đựng bệnh tật.

Gia đình, hàng xóm láng giềng , đồng nghiệp trêu đùa tôi, bảo tôi lập gia đình đi để cho ba mẹ được nhờ. Nhưng với hoàn cảnh của tôi lúc này thì liệu có ai để mắt đến tôi hay không? Tôi có nên nói cho mọi người biết những suy nghĩ chất chứa trong lòng bấy lâu nay hay không? Mong thính giả hãy cho tôi lời khuyên.

Phải làm sao để thoát ra khỏi sự tự ti này?

Sau khi câu chuyện được phát sóng và đăng tải lên trang fanpage của chương trình, đã có nhiều thính giả gọi điện và dành lời khuyên cho nhân vật. Chương trình cũng có đôi lời nhắn nhủ với chàng trai trẻ:

Xung quanh chúng ta cũng có rất nhiều người, từ những người thân trong gia đình, cho đến những người mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày là bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp hay thậm chí là người ngoài xã hội. Chúng ta muốn hòa nhập với xã hội thì cần phải không ngừng giao tiếp để xây dựng những mối quan hệ. Từ đó tạo dựng hạnh phúc cho bản thân. Nhưng nếu không hòa nhập, sống khép kín thì sẽ mất đi rất nhiều thứ.

Tôi, bạn hay tất cả các thính giả đêm nay, ai cũng muốn có được niềm vui và hạnh phúc, đó là mong muốn cơ bản nhất của cuộc sống. Hạnh phúc có được, nhờ sự đấu tranh không ngừng, hòa nhập không ngừng với xã hội. Chúng ta cần hòa đồng với những người xung quanh, xây dựng những mối quan hệ bền vững để cùng nhau kiếm tìm hạnh phúc. Sống là phải biết cho đi, để cho trái tim chúng ta được bình yên, trao đi cũng tức là sẽ tạo cơ hội để nhận lại sự yêu thương.

Bạn thấy đấy, bạn tự nhận thấy mình là người sống nội tâm và ngại giao tiếp, không muốn nói ra suy nghĩ của mình. Nhưng cuộc sống có quá nhiều điều đáng phải quan tâm, không phải ai cũng đủ tinh tế để nhìn và thấu hiểu được suy nghĩ của người khác. Do vậy, nếu bạn không nói ra suy nghĩ trong lòng mình mà tự gặm nhấm những nỗi buồn thì đến một ngày nào đó sẽ bị quá sức chịu đựng. Trong gia đình bạn có 4 người thì mỗi người mỗi tính. Bố bạn thì lại tự tin thái quá, lúc nào cũng cho là mình đúng. Mẹ bạn thì cố chấp, ai nói gì thì bà cũng phải cố nói đi nói lại cho bằng được, còn bạn thì lại sống quá khép kín. Nếu bạn cứ tiếp tục thu mình trong cái vỏ ốc của sự cô đơn như vậy thì đến một ngày nào đó ngoảnh đi, ngoảnh lại sẽ chẳng còn ai có thể thấu hiểu mình. Hãy thử cố gắng mở lòng làm quen với nhiều người hơn, càng trưởng thành bạn sẽ càng nhận ra quen biết nhiều người khác nhau rất quan trọng, dù chỉ ngang qua đời nhau nhưng chắc chắn bạn sẽ học được một cái gì đó. Với tôi, trưởng thành chính là bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, nếu không sau này nghĩ lại sẽ thật đáng tiếc. Chỉ sống 1 lần trên đời cớ sao không sống hết mình cơ chứ?

Tôi luôn có quan điểm là nên mở rộng nhiều mối quan hệ bạn bè, chấp nhận rằng không phải mối quan hệ nào cũng chất lượng, nhưng quen với nhiều người, cố gắng học hỏi từ họ, tốt hay xấu thì cũng đều có điểm đáng để học hỏi. Chúng ta không thể cứ sống lủi thủi một mình mãi được đâu. Trước mắt bạn hãy nói chuyện với gia đình mình, những người thân thiết nhất bên cạnh mình để họ sẻ chia và thấu hiểu sau đó dần dần giao du, kết bạn, mở rộng mối quan hệ với nhiều người xung quanh bạn nhé.

Hơn nữa, theo tôi nghĩ có thể việc bố mẹ bạn không muốn cho bạn đi làm bảo vệ là lo cho sức khỏe của bạn chứ không có ý coi thường bạn không thể làm được việc. Cha mẹ nào mà không thương con cơ chứ, nếu không thương thì từ nhỏ đã không tìm mọi cách chạy chữa thuốc thang cho bạn. Hãy bắt đầu cuộc sống mới từ những điều đơn giản nhất bạn ạ, đừng nghĩ bệnh tật là sự cản trở khiến bạn không thể mở lòng mình với người khác, bệnh đôi khi cũng do tâm mình nữa, phải sống vui vẻ lạc quan, tinh thần phấn khởi mới có thể chiến thắng bệnh tật. Hãy để cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa hơn, đừng u buồn sầu não và tôi tin khi bạn mở lòng mình ra sẽ nhận thấy có rất nhiều người thân, người bạn tốt vẫn đang ở bên cạnh mình./.