Mất đi ánh sáng sau một vụ tai nạn, tương lai dường như đã biến mất khỏi tầm tay của chàng sinh viên đại học năm thứ hai. Cậu mất phương hướng, chới với trước cuộc sống hiện tại và có thật nhiều băn khoăn: "Hiện giờ tôi hoàn toàn sống dựa vào bố mẹ nhưng bố mẹ rồi cũng dần già yếu và sẽ phải rời xa tôi. Đến khi đó, chẳng còn ai chăm sóc cho tôi được nữa, tôi phải sống thế nào đây? Không có người thân bên cạnh, cuộc sống của tôi sẽ thế nào? Liệu tôi có thể xoay sở khi không nhìn thấy ánh sáng cuộc đời?"

Sau khi phát sóng câu chuyện của chàng trai trẻ, chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi đã nhận nhiều ý kiến thính giả và BTV chương trình cũng có đôi lời chia sẻ với cậu.

Người ta thường nói “giàu đôi con mắt”, điều này là vô cùng chính xác bởi nhờ có nó mà chúng ta có khả năng cảm nhận được sự tươi đẹp của cuộc sống xung quanh. Thế nên, khi hai mắt không thể nhìn thấy bóng tối thì đối với nhiều người, cuộc đời thật ảm đạm, tối tăm. Nhưng, tôi nhớ rằng mình đã đọc ở đâu đó câu nói này: “Bị mù chưa đến nỗi khốn khổ, không thích nghi với sự mù lòa mới là bất hạnh”.

Đúng là những người bị mất hoàn toàn hoặc một phần thị lực thường phải đương đầu với việc khó chấp nhận thực tại, đau buồn và sống trong sợ hãi; nhất là những người đang nhìn thấy ánh sáng mà tự dưng bị mất hoàn toàn thị lực. Tuy nhiên, nhiều người đã biết cách vượt qua khuyết tật của mình để vươn lên, tiếp tục sống cuộc đời có ý nghĩa. Có thể kể ra đây vô số người mù lòa, vẫn thành danh, vẫn làm được những việc có ích cho xã hội như người khiếm thị Louis Braille đã sáng chế cách “đọc” chữ viết bằng ngón tay cho cả triệu người cùng cảnh ngộ; như Joseph Pulitzer - người sáng lập giải thưởng Pulitzer về văn chương, âm nhạc, báo chí… Hay gần gũi với chúng ta hơn thì có Lucas Radaeli - 1 người mù hoàn toàn và hiện đang làm lập trình các thuật toán xếp thứ hạng website cho cỗ máy tìm kiếm Google; hay là Christine Hà – cô gái người Mỹ gốc Việt đã dành chiến thắng trong cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ năm 2012 dù là người khiếm thị… Đó chỉ là một vài trong số rất, rất nhiều người mất hoàn toàn hoặc một phần thị lực nhưng vẫn vươn lên và đạt nhiều thành công trong cuộc sống, trong sự nghiệp.

Đôi mắt là nguồn tiếp nhận thông tin chính yếu để chúng ta cảm nhận thế giới xung quanh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà khi mất đi ánh sáng, cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành địa ngục. Mà quan trọng là chúng ta có tự cố gắng để thích nghi với tình trạng của mình và có ý chí vươn lên hay không? Bạn sẽ chẳng thể làm gì nếu cứ “buồn chán, tuyệt vọng đến mức chẳng muốn rời khỏi chiếc giường của mình”. Thay vì chỉ nói suông rằng mình “phải cố gắng, phải mạnh mẽ lên” thì bạn nên thử tự chăm sóc cho bản thân mình, từ những việc đơn giản nhất.

Bạn cũng có thể liên hệ và xin tham gia hội người khiếm thị ở địa phương hoặc các trung tâm hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật. Như thế, bạn có thể giao lưu với nhiều người cùng cảnh ngộ, học hỏi kinh nghiệm thích ứng và đối phó với cuộc sống không ánh sáng. Khi tham gia vào hội người khiếm thị hoặc các trung tâm hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật ở địa phương, bạn cũng có thể được tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, làm các nghề thủ công đan lát hay xoa bóp, bấm huyệt… Tất nhiên, mới đầu, bạn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng “có chí thì nên”, chỉ cần bạn quyết tâm không bỏ cuộc thì rồi bạn sẽ thấy những nỗ lực của mình không phải là uổng phí. Đừng vội chán nản, bi quan bởi cuộc đời của bạn còn rất dài ở phía trước. Rồi có lúc bạn nhận ra rằng những khó khăn này sẽ càng làm bạn thêm yêu cuộc đời và thắp sáng niềm tin của bạn./.

Mời các bạn cùng nghe toàn bộ phần góp ý của thính giả và BTV chương trình: