Thính giả Trần An ở Hoài Đức, Hà Nội hỏi về trường hợp của gia đình mình như sau:

Gia đình tôi gồm 4 thành viên: tôi, em gái, bố và mẹ. Tuần trước, bố tôi mất đột ngột sau một vụ tai nạn giao thông, không để lại di chúc. Trước khi mất, bố tôi có đứng tên 2 quyển sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng. Hiện giờ, mẹ tôi muốn rút tiền trong sổ tiết kiệm của bố ra để lo các thủ tục mai táng, chi tiêu thì có được không? Mẹ tôi nên làm thế nào?

PV: Thưa luật sư, tiền gửi tiết kiệm có phải là di sản thừa kế không?

LS Trần Xuân Tiền: Tiền gửi tiết kiệm là một loại tài sản, cho nên khi chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm chết, thì số tiền này sẽ trở thành di sản thừa kế và được chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật cho những người thừa kế của người chết theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế. Do đó, trong trường hợp này, gia đình bạn có thể rút tiền trong sổ tiết kiệm của bố ra để lo các thủ tục mai táng, chi tiêu, nhưng phải đảm bảo các hạn mức căn cứ trên quy định về tài sản chung của vợ chồng cũng như quy định về thừa kế của Bộ luật dân sự. Cụ thể:

Trong trường hợp 2 quyển sổ tiết kiệm là tài sản chung của bố và mẹ bạn, thì căn cứ vào Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình, mẹ bạn sẽ được rút ½ số tiền trong khối tài sản chung của vợ chồng. Đối với ½ số tiền còn lại, để rút được số tiền này, mẹ bạn cần thực hiện việc phân chia/khai nhận di sản thuộc quyền sở hữu của bố bạn, hoặc lập văn bản thỏa thuận giữa các đồng thừa kế tại Văn phòng công chứng.

Trong trường hợp 2 quyển số tiết kiệm là tài sản riêng của bố (được tặng cho riêng, nhận thừa kế, có thoả thuận trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng…) theo quy định tại Điều 43 Luật HN&GĐ, mẹ bạn có quyền rút số tiền tiết kiệm tương đương với phần tài sản được hưởng thừa kế dựa trên việc phân chia/thoả thuận di sản giữa các đồng thừa kế.

PV: Thưa luật sư, theo quy định của pháp luật, bố của thính giả Trần An mất mà không để lại di chúc thì tài sản của bố bạn ấy sẽ phân chia như thế nào?

LS Trần Xuân Tiền: Trong trường hợp bố của bạn thính giả Trần An mất mà không để lại di chúc, thì di sản thừa kế của ông sẽ được phân chia theo pháp luật, cụ thể là việc xác định người hưởng thừa kế và mức hưởng sẽ được căn cứ theo Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 cũng như các quy định liên quan về khối tài sản của vợ - chồng theo Luật hôn nhân và gia đình. Cần lưu ý là di sản thừa kế của bố bạn sẽ bao gồm toàn bộ tài sản mà ông đang sở hữu, trong đó có thể bao gồm cả 2 quyển số tiết kiệm như chúng ta đang bàn tới. Vậy trong trường hợp này, khi bố bạn không may qua đời, phần tài sản có liên quan đến ông sẽ được xử lý như sau:

Đối với phần tài sản mà bố mẹ của bạn cùng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, thì đây được xác định là khối tài sản chung của vợ chồng, do đó mặc nhiên mẹ bạn sẽ sở hữu một nửa giá trị của khối tài sản đó, phần còn lại sẽ được coi là di sản thừa kế của bố bạn và được phân chia theo pháp luật. Theo đó, mẹ bạn, bạn và em gái sẽ được coi là hàng thừa kế thứ nhất và có quyền hưởng thừa kế, phần di sản sẽ được chia đều cho cả ba người, trường hợp di sản bao gồm bất động sản khó tách rời, thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét chia các suất hưởng bằng hiện vật và bằng tiền với giá trị tương đương.

PV: Để rút tiền từ 2 sổ tiết kiệm đang gửi ngân hàng do bố bạn Trần An đứng tên, gia đình bạn ấy cần làm gì?

LS Trần Xuân Tiền: Thủ tục rút tiền từ sổ tiết kiệm của người đã mất hiện nay không quá phức tạp, ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho bạn và người nhà nếu gia đình có đầy đủ tài liệu và căn cứ chứng minh về thông tin của người mất cũng như mối quan hệ gia đình giữa người đã mất và người yêu cầu rút tiền. Tất nhiên việc này phải căn cứ trên các quy định về thừa kế tài sản như tôi đã nói.

Cụ thể, sau khi hoàn tất văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (đã được công chứng tại Văn phòng công chứng), bạn và gia đình cần chuẩn bị Giấy chứng tử của bố, giấy tờ tùy thân của mỗi người sau đó liên hệ với phía ngân hàng và đề nghị rút tiền trong sổ tiết kiệm. Trường hợp bạn và người nhà chưa có nhu cầu rút và muốn thừa kế quyền và nghĩa vụ đối với sổ tiết kiệm, thì bạn và gia đình cũng có thể đề nghị với ngân hàng để tách sổ tiết kiệm tương ứng với từng kỷ phần thừa kế mà mỗi người được hưởng. nếu có thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ với luật sư, hoặc chuyên viên pháp lý để được giải đáp.

PV: Xin cảm ơn luật sư.

Nghe tư vấn của Luật sư Trần Xuân Tiền tại đây: