Ngày 03/01 chương trình đã đăng tải nội dung câu chuyện của một chàng trai cảm thấy mệt mỏi và chán nản do hai vợ chồng suốt ngày cãi cọ. Người chồng cho rằng vợ mình là người hiếu thắng, bảo thủ và ngang bướng. Vậy cần làm gì khi hai vợ chồng liên tiếp xảy ra những bất hòa như vậy. Chương trình cũng có đôi lời dành cho nhân vật:

Bạn thấy đấy, chồng bát còn có khi xô nữa là cuộc sống hôn nhân. Đã là vợ chồng thì hiếm có cặp đôi nào tránh được mâu thuẫn cãi vã. Thực tế cho thấy có những cặp vợ chồng, sau khi cãi nhau, họ cảm thấy cần nhau và thương nhau hơn. Nhưng ngược lại có những cặp đôi sau khi cãi nhau thì mâu thuẫn càng trở nên trầm trọng, không thể dung hòa. Vợ chồng thường xuyên cãi nhau sẽ dễ tạo ra khoảng cách và cũng có thể làm cho hôn nhân tan vỡ, đẩy hai người đi về hai ngả. Bạn là đàn ông, bạn cần đối diện với chuyện này và khéo léo giải quyết nó. Không nên cứ có mâu thuẫn gia đình, vợ chồng cãi vã là lại nghĩ đến ly dị bạn ạ. Trên đời này không ai được hoàn hảo trọn vẹn, người được mặt này, người được mặt kia, quan trọng là biết nhường nhịn, cảm thông và sẻ chia thì cuộc sống hôn nhân sẽ nhẹ nhàng êm ái và bớt căng thẳng hơn.

Tuy rằng vợ của bạn là người bảo thủ, ngang bướng, mọi chuyện đều thích làm theo ý mình, nhưng chúng tôi cho rằng, chắc chắn bên cạnh những nhược điểm đó cô ấy sẽ có những ưu điểm khiến bạn cảm thấy hài lòng đúng không? Tại sao bạn không nhìn vào những mặt tốt đó và cả hai cùng nhau cố gắng nhường nhịn thì sẽ cảm thấy đỡ nặng nề hơn nhiều. Còn nếu cứ chỉ soi vào điểm xấu của nhau rồi cảm thấy khó chịu thì cuộc sống gia đình sẽ luôn chỉ là sự chịu đựng, bức bối.

Đơn giản thế này, con gái đi lấy chồng thì hầu như ai cũng muốn được thường xuyên về nhà mẹ đẻ của mình chơi. Nếu cô ấy không muốn tuần nào cũng về thăm mẹ chồng thì bạn cũng không nghĩ thoáng ra một chút, có thể là vì con nhỏ hoặc vì những lý do nào đó khác, hãy nhẹ nhàng nói chuyện tìm hiểu lý do và khuyên bảo cô ấy dần dần. Đừng thấy vậy mà cảm thấy bực tức rồi dùng những từ ngữ hay hành động ra như kiểu ép buộc, ra lệnh sẽ càng khiến cô ấy trở nên ngang bướng hơn. Đúng là đàn ông khi kết hôn đều mong muốn mình cưới được một người vợ ngoan hiền, chiều chồng, thương con, không ai muốn cưới một người vợ ngang ngược và chua ngoa. Song từ người ngang bướng để trở thành một người vợ hiền ngoan, biết điều là cả một quá trình rèn luyện. Thông thường khi tranh luận hay bất đồng, thì ít ai tự nhận mình sai và thường hay đổ lỗi cho người khác, nếu không ai chịu nhường ai, cứ ông chẳng bà chuộc thì biết bao giờ mới có điểm dừng.

Có câu “ Cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”, rất nhiều người coi sự nhân nhượng là cam chịu mà không biết nhân nhượng chính là một trong những quy tắc vàng của ứng xử trong hôn nhân. Nhân nhượng đúng lúc làm cho đời sống hôn nhân thay đổi theo chiều hướng tốt và củng cố hạnh phúc gia đình. Nếu ai cũng có cái tôi cao, không ai chịu nhường ai thì chắc chắn hai người sẽ như hai đường thẳng song song mãi không có điểm chung. Nhưng bạn cũng cần phải phân định rằng nhân nhượng ở đây là sự tích cực, khi bạn ý thức rõ lợi ích của sự nhân nhượng và chủ động thực hiện nó, chứ không phải là bất cứ chuyện gì cũng phải nhường nhịn và chịu đựng. Đời sống hôn nhân muốn lâu bền thì cần sự điều chỉnh của hai vợ chồng cho hòa hợp. Vợ bạn có những hành động như vậy là không đúng, nhưng khi cô ấy đang nóng thì bạn cũng đừng đổ thêm dầu vào lửa, cũng không nên tỏ thái độ thách thức, hoặc trách móc. Bạn càng tranh luận, cự cãi thì với bản tính nóng nẩy, cô ấy lại càng làm ầm ĩ lên. Hãy chọn lúc cô ấy vui vẻ để góp ý.

Những năm đầu hôn nhân bao giờ cũng có khó khăn, sóng gió, nhưng nếu bỏ qua được những cái xấu của nhau và khéo léo trong ứng xử vợ chồng, tôi tin hôn nhân của các bạn rồi sẽ ngày càng tốt đẹp hơn./.