Không phải là một mô hình công nghệ mới lạ nên những năm gần đây, camera giám sát đã không còn xa lạ với người dân và nó đã có mặt ở các ngóc ngách để giúp chính quyền quan sát mọi biến động bất thường của xã hội. Công cụ này được xem như là “mắt thần”, “cánh tay nối dài”, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nó cũng có thể giúp cho một số người thiếu ý thức không còn thói quen vứt rác bừa bãi. Rồi trong nhiều trường hợp, nó là chứng cứ được sử dụng để buộc tội trong một số vụ án…

Nói thế để thấy, lợi ích của camera giám sát không phải bàn cãi…Nhưng thực tế, hệ thống camera giám sát này có phải giá trị như nhiều người từng ví là thuốc thần đặc trị các căn bệnh nan giải, nhất là những hành vi bắt nguồn từ ý thức tự giác của con người?

Xin kể ra đây câu chuyện thực tế tại một bệnh viện ở Hà Nội, là nơi có lượng người ra vào rất đông đúc, tình hình an ninh cũng vô cùng phức tạp. Có lần bệnh việc này được đề xuất lắp đặt hệ thống camera giám sát để xử lý vi phạm. Mặc dù con số đầu tư không hề nhỏ, nhưng bệnh viện này sẵn sàng thực hiện theo kiến nghị. Vậy nhưng, sau đó, dù có cả sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an phường thường xuyên phân luồng giao thông, cắm chốt tại khung giờ cao điểm để dẹp hàng quán nhưng cuối cùng vẫn không thể giảm tải được sự lộn xộn tại khu vực cổng bệnh viện.

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, nhưng cũng là một thực tế phải ngẫm nghĩ…

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 67về việc “rà soát, đánh giá hiện trạng và nhu cầu triển khai hệ thống camera giám sát, xây dựng vị trí chung, tổng thể cho hệ thống camera của thành phố”. Theo đó, việc phủ kín “mắt thần” ngoài việc phục vụ công tác quản lý, giám sát, điều hành giao thông và quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội mà còn nâng cao hiệu quả đầu tư, phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Hà Nội đang hướng đến trở thành một đô thị thông minh nên việc lắp đặt, kết nối hệ thống camera là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, đầu tư hệ thống này như thế nào, sử dụng nguồn dữ liệu sao cho hiệu quả… vẫn là những vấn đề khiến nhiều người băn khoăn.

Trước hết, có thể nhìn thấy để phủ kín mạng lưới “mắt thần” toàn thành phố và thu thập dữ liệu đô thị, Hà Nội có thể phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, thì chắc chắn đây là con số phải cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng trước khi đầu tư. Bởi đã từng có nhiều dự án của Hà Nội, điển hình nhất là lát đá vỉa hè với số tiền bỏ ra không hề nhỏ nhưng đến nay người dân vẫn phải chứng kiến các tuyến vỉa hè Thủ đô nứt, lún… khiến cho bộ mặt đô thị thêm nhếch nhách. Thế nên, câu chuyện camera giám sát lần này cũng tương tự. Liệu có ai dám chắc, khi hệ thống camera giát sát được phủ kín thì các hành vi vi phạm trật tự xã hội ở đô thị sẽ không còn?

Thêm nữa là vị trí đặt camera cũng là một vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa vào thực tế. Bởi nơi nào đặt camera thì song song với việc ghi nhận hình ảnh trên đường, camera còn ghi nhận hình ảnh của những nhà dân xung quanh nằm trong tầm quét của máy. Do đó, việc người dân lo lắng đời sống riêng tư bị ảnh hưởng là có lý và hoàn toàn chính đáng. Ngoài ra, một mối lo khác là nếu quản lý hình ảnh của hệ thống camera không tốt hoặc không minh bạch, đúng quy trình, sẽ dễ bị lợi dụng để trục lợi. Và nếu trong trường hợp quyền riêng tư bị ảnh hưởng, thì cơ quan nào chịu trách nhiệm?

Không chỉ có vậy, một vấn đề cũng rất thực tế, khi dư luận đặt câu hỏi, nếu đã đầu tư một số tiền không nhỏ để trang bị thêm hệ thống camera công cộng thì liệu có giảm bớt được số lượng cảnh sát khu vực, dân phòng đang trực tiếp tham gia công tác gìn giữ an ninh trật tự hay không?

Lắp đặt camera là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự ở các đô thị. Đây cũng không phải là vấn đề mới, thậm chí chúng ta đã đi sau khá nhiều thành phố trong khu vực và trên thế giới. Thế nhưng không chỉ Hà Nội mà địa phương nào cũng vậy, khi lắp đặt camera cần thận trọng đánh giá lại từng bước của dự án, tận dụng những cái đang có cho phù hợp chi phí, hiệu quả, tránh lãng phí. Và điều quan trọng hơn cả, chúng ta cần xác định rõ camera giám sát cần nhưng không phải là tất cả…Bất cứ quốc gia giàu mạnh nào, việc giám sát chặt chẽ phải đi cùng với chế tài xử phạt nghiêm minh, công khai mình bạch thì khi đó nó mới là “thanh thượng phương bảo kiếm” đầy uy lực khiến mọi người dân phải răm rắp tuân thủ.