Ngay sau khi ra mắt vào đêm 8/3 vừa qua, MV “Chúng ta của tương lai” của Sơn Tùng M-TP không chỉ nhận được lượng view khủng mà còn tạo nên cơn sốt “gửi bản thân ở tương lai” trên mạng xã hội trong giới trẻ. Các bạn trẻ đang đua nhau viết lời nhắn cho chính bản thân mình trong 5 năm hay 10 năm tới với những mong muốn và hy vọng đặt ra cho bản thân.

“Dù có thế nào thì tôi chắc chắn một điều rằng tương lai sẽ tốt, ít nhất là tốt hơn hiện tại. Nhất định tôi sẽ học hỏi được nhiều điều mới mẻ, trải nghiệm thật nhiều, bình yên trước sóng gió. Hy vọng”.

“Gửi đến bản thân tôi vào 5 năm sau: sống và lo cho người khác nhiều hơn, cống hiến cho xã hội nhiều chút, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình hơn”.

“Gửi bản thân tôi 5 năm sau , tìm lại bản thân, hoàn thiện lại để có được hạnh phúc và những gì đã có …”

Khi viết những lời gửi gắm cho chính mình trong tương lai, nhiều bạn trẻ đã xác định một lẽ sống cho mình ở thì hiện tại. Đó là sống một cuộc sống ý nghĩa và tích cực, xây dựng cho mình một mục tiêu tốt đẹp, từ đó có ý chí vươn lên để đạt được ước mơ.

Nhưng thư gửi tương lai phần nào cũng phản ánh tâm lý “Ai dám nói trước sau này, chẳng ai biết trước tương lai sau này”, nó ẩn chứa một sự hoài nghi và ít nhiều lo lắng.

Có một khảo sát chỉ ra rằng 41% Gen Z nói mình đang gặp khó khăn về tâm lý, cao hơn mức 36% của thế hệ sinh trước năm 2000 và cao hơn mức 21% của thế hệ 8X. Những người trẻ từ khi sinh ra đã tiếp xúc và sống trong thế giới công nghệ, thiếu đi những kết nối xã hội của thế giới thực, đang phải mang trong mình một nỗi cô đơn thời đại số. Trải qua đại dịch, đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tương lai càng trở nên bất định. Không ít bạn trẻ sống nhạt nhòa, thờ ơ với mọi thứ, thiếu động lực, thiếu sinh khí mà tuổi trẻ vốn có.

Và ở chiều ngược lại, họ chọn trào lưu sống nổi loạn, chỉ biết đến hiện tại, sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; có một cuộc sống công nghệ không lành mạnh; lãng phí thời gian vào những trò vô bổ, bê trễ học hành, ăn chơi, hưởng thụ, dính vào tệ nạn...

Bởi vậy thật đáng mừng khi trào lưu “Gửi bản thân 5 năm sau, 10 năm sau” đang được giới trẻ hào hứng bắt trend, đủ thấy những người trẻ thờ ơ với tương lai không phải là đa số.

Trên thực tế, có rất nhiều bạn trẻ Gen Y, Gen Z đặt cho mình mục tiêu là lối sống tích cực, tham gia những phong trào tình nguyện, làm những công việc thiện nguyện hay làm được những điều có ý nghĩa cho người thân, phấn đấu trau dồi kiến thức, kỹ năng để chủ động đón nhận tương lai. Cùng đó là những mục tiêu cụ thể về học hành, bằng cấp, hay công việc…

Thành công hay thất bại? Lẽ sống khác nhau thì cuộc đời và số phận của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Lẽ sống có thể là những điều thật bình dị, giản đơn, không nhất thiết phải là những gì quá cao siêu và ghê gớm. Lẽ sống có thể bắt đầu từ công việc hàng ngày, sự quan tâm chăm sóc đối với mọi người và sự dũng cảm khi đối mặt với những khó khăn của cuộc sống.

Hình ảnh của bản thân ở tương lai ra sao chính là do chúng ta hiện tại đang vẽ lên từng ngày. Bởi vậy thay vì buồn lo, bạn trẻ hãy xác định lẽ sống trở thành một người có giá trị, làm sao để tuổi 30 không hối tiếc về những năm tháng tuổi 20…