Hội nghị Đào tạo và Khoa học công nghệ năm 2024 do Trường Đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 4 tháng 5 năm 2024, nhiều thông tin mới được cập nhật với mục tiêu đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc gắn chặt đào tạo vào nghiên cứu, đồng thời lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo đến toàn thể cán bộ, giảng viên.

Tham dự Hội nghị có Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cùng đại diện lãnh đạo một số Ban chức năng và một số đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN và gần 400 đại biểu là cán bộ, giảng viên, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, đối tác của Trường Đại học Công nghệ.

Một nội dung quan trọng của Hội nghị là tập trung trao đổi, thảo luận về các nhiệm vụ đổi mới trong công tác đào tạo và khoa học công nghệ của Nhà trường theo Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khẳng định: “Đây là hội nghị đặc biệt về đào tạo và khoa học công nghệ và là lần đầu tiên từ khi thành lập đến nay hội nghị có sự tham gia của toàn thể cán bộ, giảng viên, các đối tác và lãnh đạo ĐHQGHN”. Giáo sư chia sẻ những bước phát triển của Trường ĐH Công nghệ trong năm 2023 là bước phác thảo cho tương lai và hoạch định, ổn định công tác nội bộ. Đến năm 2024, Nhà trường với mục tiêu phát triển tìm nguồn lực bên ngoài thể hiện bằng các ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn như Samsung, Viettel và tương lai sẽ còn nhiều hợp tác khác.

Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tich Hội đồng Trường cũng nhắc đến những thời cơ và thách thức đối với Trường ĐH Công nghệ. Nhà trường cần thay đổi mô hình quản trị đại học phù hợp với tình hình mới về tự chủ đại học và chuyển đổi theo mô hình gắn kết với doanh nghiệp. Chiến lược phát triển trong giai đoạn tới Trường ĐH Công nghệ sẽ đổi mới mang tính bước ngoặt. Với mục tiêu phát triển trở thành University of Engineering and Technology – Trường đại học kỹ thuật công nghệ, trường cần thay đổi quy mô, cấu trúc chương trình đào tạo. Một số lĩnh vực sẽ của trường hướng tới mục tiêu lọt top 200 thế giới trong năm 2035.

Đứng trước nhiều cơ hội và thách thức như vậy, Chủ tịch Hội đồng Trường khẳng định: “Nhà trường cần sự đồng thuận, đoàn kết, chia sẻ và cộng hưởng của tất cả cán bộ, giảng viên để phát triển Trường ĐH Công nghệ trong tương lai. Thông qua hội nghị, cán bộ và giảng viên hiểu thêm về chiến lược, hoài bão, tâm nguyện, cùng những khó khăn, thách thức và giải pháp của lãnh đạo Nhà trường, đồng thời là cơ hội để lãnh đạo lắng nghe ý kiến của giảng viên, cán bộ đóng góp vào sự phát triển chung của Trường”.

Báo cáo tổng kết công tác đào tạo và khoa học công nghệ năm học 2023 - 2024 và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 do Hiệu trưởng GS.TS Chử Đức Trình trình bày, nhằm lan tỏa tinh thần trách nhiệm, tự chủ của từng cán bộ. Báo cáo chia sẻ về sứ mạng, triết lý giáo dục cùng các giá trị cốt lõi của Nhà trường, đặc biệt là Chiến lược phát triển của Trường ĐH Công nghệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định một số lĩnh vực sẽ vào top 200 trên bảng xếp hạng thế giới vào năm 2035.

Để kỷ niệm 20 năm thành lập Trường, toàn thể giảng viên và cán bộ phấn đấu xây dựng Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội là một địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài của cả nước, khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh thế giới liên tục thay đổi với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông trong đổi mới công tác giảng dạy đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu thay đổi của xã hội hiện đại.

Tại Hội nghị các giảng viên, cán bộ lắng nghe những báo cáo chuyên đề, bài trình bày về các phương pháp đổi mới trong giảng dạy, các mô hình đổi mới sáng tạo. Cụ thể là, báo cáo của GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc ĐHQGHN, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường với nội dung "VNU-UET: Từ SMART đến WISER & AI"; báo cáo chuyên đề của TS. Lê Khánh Trình - giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin với nội dung “Báo cáo về đổi mới công tác giảng dạy trên phần mềm Canvas LMS”.

Hội nghị cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến, đóng góp bổ ích từ các nhà giáo lão thành, các chuyên gia, doanh nhân cũng như các giảng viên trong và ngoài trường về nâng cao hiệu quả trong giảng dạy thực hành; tạo động lực học tập và nghiên cứu khoa học trong sinh viên; tăng cường hợp tác đào tạo và nghiên cứu phát triển sản phẩm với các doanh nghiệp …

Ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Trường ĐH Công nghệ đã đạt được trong thời gian qua, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết: Đây là hội nghị có tầm quan trọng trong bối cảnh bước sang năm thứ 4 thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu đưa ĐHQGHN vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh vai trò và vị thế, tầm quan trọng Trường ĐH Công nghệ trong sự phát triển chung của ĐHQGHN. Trong thời gian tới, Nhà trường cần thể hiện rõ đóng góp trong hệ thống, chú trọng công tác xếp hạng trở thành thương hiệu công nghệ mũi nhọn của đất nước và quốc tế. Mục tiêu xếp hạng vào tốp 200 đại học tốt nhất thế giới cần xuyên suốt, đồng bộ và nhất trí của tất cả các khoa, ngành trong toàn trường. ĐHQGHN đã trao quyền tự chủ cho nhà trường và đây cũng là cơ hội để trường vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Tự chủ gắn với các vấn đề đặt hàng, ĐHQGHN sẽ tạo không gian phát triển để nhà trường thực hiện tốt các kỳ vọng của ĐHQGHN nói riêng và đất nước nói chung. Tăng quy mô tuyển sinh và mở ngành mới, tăng cường mở rộng công tác quốc tế hóa, chú trọng đổi mới mô hình đào tạo; tạo không gian phát triển khoa học công nghệ cần có sản phẩm chuyển giao và gắn với thực tiễn. Đầu tư vun cao, chú trọng ngành mũi nhọn, nhóm nghiên cứu mạnh có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao.

Để hoàn thành được mục tiêu đó, trường ĐH Công nghệ cần chú trọng công tác thu hút nguồn nhân lực, giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao, tăng cường hợp tác trao đổi giảng viên và tham gia các lớp tập huấn, trải nghiệm, giao lưu quốc tế để tăng nghiệp vụ, chuyên môn. ĐHQGHN cam kết áp dụng các chính sách tốt tới từng cá nhân từng đơn vị, khoa, ngành để thu hút và đầu tư vun cao các nhóm nhà khoa học mũi nhọn tại nhà trường.

Cuối cùng với lợi thế của nhà trường là không gian tại Hòa Lạc - Trung tâm khoa học công nghệ và giáo dục chất lượng cao, đây sẽ là cơ hội để trường ĐH Công nghệ phát triển toàn diện, bứt phá trong thời gian tới.