Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã có 22 ca tử vong vì bệnh dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023) và có hơn 100.000 người phải điều trị dự phòng do bị chó, mèo cắn. Với 22 ca tử vong trong hơn 2 tháng, bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã có công điện hoả tốc gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên người và động vật. Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, người đứng đầu các cấp lơ là, chủ quan trong phòng chống bệnh dại, nhất là ở các tỉnh có số người chết cao và tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại thấp.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại nhưng lại có thể phòng được tử vong bằng tiêm vaccine và bằng chính ý thức của con người. Khi bệnh dại đứng trước nguy cơ có thể bùng phát, có nghĩa là các biện pháp phòng chống chưa hiệu quả.

Nhìn vào số liệu báo cáo của Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chúng ta có thể thấy rõ điều này. Tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó của năm 2023 cao nhất mới đạt 51%, trung bình chỉ đạt 35-40%. Đặc biệt có những tỉnh như Nghệ An, Gia Lai, tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó rất thấp – chỉ dưới 10%, và đây cũng là những tỉnh có tỷ lệ tử vong ở người do bệnh dại rất cao.

Cùng với đó, thói quen thả rông chó, mèo như hiện nay cũng là nguyên nhân, chỉ cần trong cộng đồng có 1 con bị nhiễm dại, sẽ cắn và lây bệnh cho 2 con khác. Cứ thế, bệnh dại sẽ lây lan theo cấp số nhân. Trong khi đó, chỉ cần tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó đạt 70%-75% thì sẽ hạn chế được rất nhiều cái chết thương tâm vì bệnh dại, bởi các nghiên cứu đã chứng minh đàn chó, mèo được tiêm sẽ đạt "miễn dịch cộng đồng".

Chúng ta có đủ vaccine để phòng bệnh dại cho cả người và vật nuôi. Luật Chăn nuôi và Luật Thú y quy định rất rõ về việc chủ vật nuôi phải khai báo và tiêm phòng bệnh dại. Nếu không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo, mức xử phạt có thể là từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối cá nhân và từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức.

Sự lơ là, chủ quan và chưa xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm trong phòng chống bệnh dại dẫn đến số người tử vong do bệnh dại tăng cao? Trách nhiệm này phần lớn thuộc về chính quyền các cấp ở địa phương,.

Cũng cần phải nói đến sự chủ quan và hiểu biết thiếu đầy đủ của một số ít người dân về bệnh dại. Bệnh dại hoàn toàn có thể điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Nếu người bị chó, mèo cắn được tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ, có thể phòng bệnh với tỷ lệ rất cao. Còn khi đã lên cơn dại rồi thì hết thuốc chữa. Nhưng rất đáng tiếc, vẫn còn nhiều trường hợp chết oan vì sợ các phản ứng phụ của vaccine hay chủ quan với những vết cắn tưởng chừng vô hại!

Để không xảy ra những cái chết thương tâm do bệnh dại và không còn phải lo ngại về nguy cơ dịch bệnh gia tăng, cùng với sự chủ động của người dân "tự cứu mình trước khi trời cứu", các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh người đứng đầu các địa phương lơ là, chủ quan, thiếu quyết liệt trong công tác phòng chống bệnh dại, thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ./.